Thông tin trên VTC News, bệnh nhân là nam, 52 tuổi được đưa vào Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Nam vì đau ngực dữ dội kèm khó thở nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm. Bệnh nhân được xử trí: thở oxy, giảm đau, thuốc chống kết tập tiểu cầu.
Sau 45 phút nhập viện, bệnh diễn biến nặng khi xuất hiện rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn. Sau hơn 10 phút ép tim liên tục, bệnh nhân có mạch trở lại, nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trong trạng thái tỉnh táo, tiếp xúc tốt, huyết áp 120/80, tuy nhiên, nhịp tim 100 và đang duy trì thuốc vận mạch liều cao (noradrenalin và dobutamin).
Tình trạng sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định và được cho xuất viện. Ảnh: BVCC
Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn bởi các chuyên gia đầu ngành của Viện Tim mạch. Qua đánh giá lâm sàng và các kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn.
Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim rất phức tạp, hẹp cả 3 thân động mạch vành chính gây thiếu máu nuôi dưỡng cho tim, nguy cơ tử vong rất cao.
Trung tâm Cấp cứu A9, Viện Tim mạch và Trung tâm Hồi sức tích cực được triệu tập để xây dựng phác đồ điều trị và cứu sống người bệnh. Chiến lược điều trị là can thiệp tái tưới thông mạch vành cấp.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tối đa, người bệnh cần được hỗ trợ tim phổi nhân tạo trước khi can thiệp. Bởi tình trạng hẹp gần khít cả 3 động mạch thì người bệnh dễ có nguy cơ ngừng tái tuần hoàn trong quá trình can thiệp. Các chuyên gia của chuyên ngành hồi sức tích cực, tim mạch và cấp cứu đã phối hợp thực hiện ca can thiệp thành công, bệnh nhân được đặt 2 stent và sau đó chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân được các bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi sát sao, tình trạng sốc tim của bệnh nhân cải thiện dần. Chỉ sau can thiệp một ngày, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tự thở. Giảm dần liều thuốc vận mạch và ngày thứ 5 thì dừng hỗ trợ tim phổi nhân tạo.
Liên quan đến sự việc, báo điện tử Nhân dân dẫn lời ThS,BS. Nguyễn Tú Anh, Trung tâm Hồi sức tích cực, người tham gia điều trị ca bệnh cho biết: "Nhồi máu cơ tim là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam. Đối tượng có nguy cơ cao là nam giới, trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường. Các dấu hiệu để nhận biết thường là những cơn đau ngực dữ dội, kéo dài 15-30 phút, có thể lan lên 2 vai hoặc tay. Cơn đau thường xuất hiện sau khi người bệnh gắng sức hoặc nghỉ ngơi. Khi đó, người bệnh cảm thấy khó thở nhiều, vã mồ hôi".
Vì vậy, để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra, khi thấy những dấu hiệu trên, người có triệu chứng nên khẩn trương đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Ca bệnh của nam bệnh nhân trên là một trong những ca bệnh rất nặng của bệnh lý mạch vành. Sốc tim là biến chứng nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim. Rất may, bệnh nhân được đưa vào viện sớm; được xử trí ban đầu tại bệnh viện tuyến dưới kịp thời.
Sau 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 4/5, bệnh nhân ra viện và trở về nhà.
Cách ngăn ngừa, phòng bệnh nhồi máu cơ tim
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, hợp lý với tình trạng sức khỏe bệnh tật của cơ thể. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn bổ sung rau củ chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C để làm tăng sức bền của thành mạch. Hạn chế đồ ngọt và chất béo hay các chất kích thích như rượu chè cà phê...
- Không hút thuốc lá.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.
- Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường trên cơ thể.
- Khi có các bệnh lý về tim mạch như bệnh lý về huyết áp, cơn đau thắt ngực,...hay các bệnh lý về nội tiết như đái tháo đường...thì phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Thùy Dung (t/h)