Ngay khi trận động đất 4,7 độ richter xảy ra ở Cao Bằng, một số khu vực tại Hà Nội đã bị ảnh hưởng, người dân cảm nhận rõ sự rung lắc.
Sáng 18/11, một trận động đất mạnh 4,7 độ richter xảy ra ở tỉnh Cao Bằng, khu vực sát với biên giới Trung Quốc.
Trao đổi với báo Tri Thức Trực Tuyến, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho hay trận động đất xảy ra lúc gần 7h, độ sâu của chấn tâm khoảng 10 km, tọa độ của chấn tâm 22,844 độ vĩ bắc - 106,581 độ kinh đông. Một số người dân ở Cao Bằng khẳng định cảm thấy sự rung lắc rõ ràng.
Vị trí trận động đất theo quan trắc của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Ảnh: USGS. |
Trận động đất này còn ảnh hưởng tới cả Hà Nội. Chia sẻ với báo Tiền Phong, anh Nguyễn Gia Vinh, sống trên tầng 26 một toà nhà tại khu vực phường Vĩnh Tuy, quận Hai bà Trưng kể: “Rung lắc khiến bức tranh treo tường nhà mình động đậy, mình cảm thấy hoa mắt. Mấy trận động đất gần đây, nhà mình đều cảm nhận được”.
Nhiều người dân sống ở Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa cũng chia sẻ cảm nhận được rung lắc ngắn và nhanh.
Trước đó, vào lúc 8h18 ngày 25/11, một trận động đất 5,4 độ richter cũng xảy ra tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, gây rung chấn cho một loạt các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ. Người dân thủ đô sống và làm việc tại các tòa chung cư cao tầng cảm nhận rất rõ rung lắc.
Được biết, động đất ở Cao Bằng xảy ra trên đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên, là một đứt gãy hoạt động khá mạnh, nhất là phần đầu đứt gãy chảy qua Cao Bằng-Lạng Sơn, đoạn cuối Lạng Sơn - Quảng Ninh hoạt động yếu hơn. May mắn, đới đứt gãy này không chạy qua thủ đô Hà Nội.
Theo Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng- sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285.
Nguyễn Phượng (T/h)