Lừa liên tỉnh
Thông tin Công an tỉnh Quảng Bình, Phòng Cảnh sát hình sự vừa chủ trì phối hợp với PA06 phá thành công chuyên án 0521-L, đấu tranh làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên tỉnh.
Sau quá trình theo dõi, ngày 16/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã triệu tập đối tượng Trần Văn Lương, trú tại xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Qua công tác đấu tranh, Lương khai nhận, từ năm 2019 đến nay, lợi dụng tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, Lương đã về Tp. Đồng Hới thuê nhà trọ để ở rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vắc-xin để lừa nạn nhân.
Theo đó, với thủ đoạn môi giới vận chuyển hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 1A, Lương đã tìm kiếm thông tin các chủ hàng cần vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, sau đó Lương liên hệ với các công ty vận tải hoặc vận tải tư nhân để vận chuyển hàng.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền công vận chuyển từ các chủ hàng, Lương không chuyển trả cho các công ty vận tải mà đã tìm cách chiếm đoạt.
Bước đầu Lương khai nhận đã lừa trên 20 người thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, chiếm đoạt số tiền trên 600 triệu đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tiến hành khám xét nơi ở, và ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Văn Lương.
Trong quá trình khám xét lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình tạm giữ 3 điện thoại di động và một số giấy tờ liên quan, tiếp tục hoàn tất hồ sơ, điều tra mở rộng vụ án theo quy định của pháp luật.
Cảnh báo nhiều thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo người dân.
Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vắc-xin để lừa nạn nhân.
Theo NCSC, các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng các kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy.
Trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, mọi người cần cảnh giác cao độ trước những thông tin, hình thức lừa đảo. Theo NCSC, có 2 xu hướng lừa đảo chính trên không gian mạng gần đây.
Trước tiên, đối tượng lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe để lừa đảo. Theo đó, đối tượng giả mạo thông tin của tổ chức y tế như: Giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organisation hoặc “WHO”), gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của Covid-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.
Đối tượng giả mạo trang web liên quan đến Covid-19 là một trong các loại hình gian lận mới, cụ thể là trong thời gian gần đây rất nhiều tên miền internet có chữ “Covid” đã được đăng ký.
Với mánh khóe liên quan đến việc điều trị bệnh, đối tượng lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm Covid- 19 khiến nhiều người tìm cách để phòng ngừa và chữa trị. Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vắc-xin để lừa nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng. Bên cạnh đó, còn xuất hiện trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.
Hình thức lừa đảo liên quan đến chuỗi cung ứng khi đối tượng tạo lập nên các website bán hàng trực tuyến bán các vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không nên mua bất kỳ bộ kít test nhanh Covid-19 nào qua mạng vì các sản phẩm này chưa chắc đã có hiệu quả, chưa chắc đã được các cơ quan Việt Nam kiểm định chất lượng và cấp phép lưu hành. Thậm chí, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc với nạn nhân và không giao hàng như đã thỏa thuận.
Sử dụng tài chính để thu hút người dân
Đối tượng lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ như: Mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng,... nhằm lừa đảo, chiếm tài sản người dùng, xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp, tổ chức. Rất có thể, đối tượng xấu sẽ khai thác các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân để trục lợi, đánh cắp tiền. Hiện đường link ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro này đang lan truyền nhanh và rộng tới người dùng Việt Nam. Đơn cử như hàng loạt người dùng Face- book nhận được tin nhắn có tiêu đề cùng đường link: “Adidas kỷ niệm 100 năm - nhấn vào để nhận quà”; Tin nhắn kêu gọi tham gia “Quỹ phúc lợi Coca-Cola”; Mạo danh Co.opmart gửi link kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng... nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm nhập hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp. Đối tượng sử dụng hình thức liên quan đến hoạt động từ thiện.
Với hình thức này, đối tượng lừa đảo tranh thủ tâm lý giúp đỡ cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã dụ dỗ nạn nhân quyên góp cho các quỹ từ thiện lừa đảo do chúng lập ra mạo nhận là giúp đỡ những cá nhân, đồng bào, hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra chúng còn dụ dỗ nạn nhân đóng góp cho hoạt động phát triển vắc-xin chống lại virus hoặc tặng khẩu trang miễn phí đã được tẩm thuốc mê... Với hình thức lừa đảo liên quan đến hoạt động đầu tư, các bẫy lừa đảo đầu tư điển hình sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. Mô hình lừa đảo qua việc đầu tư on- line được nhận diện qua một số dấu hiệu như: Kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; Hứa hẹn trả lãi với lãi suất cực cao; Cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định; để hạn chế người tham gia rút vốn khi đến hạn các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn...
Thu Huyền - K.Ngân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số đặc biệt (1+2+3)