Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo nguy hiểm từ ma túy "nước dâu" với giới trẻ

(DS&PL) -

Để tìm hiểu về tác hại của loại ma túy “nước dâu”, PV ĐS&PL đã liên hệ với ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Theo nhận định của bác sĩ La Đức Cương, ma túy “nước dâu” có thể gây ra ảo giác, hoang tưởng, gây mất kiểm soát hành vi, đe dọa đến tính mạng.

Biến tướng của ma túy tổng hợp

PV: Ông nhận định như thế nào loại ma túy “nước dâu” vừa được cơ quan công an phát hiện?

Ông La Đức Cương: Đây không phải lần đầu tiên loại ma túy núp bóng nước trái cây xuất hiện trên thị trường, nó chỉ là một hình thức biến tướng mà thôi.

Trước đó, cơ quan chức năng từng phát hiện ma túy "nước xoài", "kẹo mút cần sa"... gây bức xúc trong dư luận. Khi nhìn bề ngoài của bao bì, mọi người sẽ cho rằng đây là một gói nước trái cây đơn thuần, một thứ nước giải khát hay một chiếc kẹo nhưng nó lại vô cùng nguy hại.

Hình ảnh ma tuý "nước dâu".

Điều đáng lo ngại, ma túy tổng hợp “núp bóng” dưới các sản phẩm đồ ăn, thức uống được rao bán trên mạng, thậm chí bày bán trước cổng trường khiến nhiều em học sinh tò mò mua về sử dụng.

PV: Qua giám định của cơ quan chức năng, thành phần chủ yếu của ma túy “nước dâu” vừa có chất cafein, vừa có thành phần thuốc ngủ nhưng nhiều nhất là ma túy tổng hợp MDMA. Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hại của loại ma túy thế hệ mới này?

Ông La Đức Cương: Để đánh giá mức độ nguy hại cần phải xem xét các loại ma túy được phát hiện có chứa những hoạt chất gì.

Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy mới như: Ma túy tổng hợp, chất kích thích giống Amphetamin mà chế phẩm đại diện của nó là Methamphetamin (còn gọi là ma túy đá); các chất có cấu trúc hóa học giống Amphethamin là MDMA...

MDMA bản chất là ma túy đã có từ lâu nhưng càng ngày càng tinh chất hơn, là một dạng ma túy tổng hợp nhưng rất mạnh. Sức tàn phá của ma túy thế hệ mới lên cơ thể con người nhiều gấp nhiều lần so với ma túy cũ vì nó tàn phá cả về tâm thần lẫn thể chất.

Ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Phần lớn những người sản xuất ma túy “núp bóng” nước ép trái cây sẽ đưa vào những chất dễ hấp thụ (không gây nghiện ngay lập tức-PV), khiến giới trẻ lệ thuộc dần vào loại ma túy này. Ma túy dạng nước ép không như heroin, thuốc phiện..., được bào chế ở dạng tinh chất và kích thích hệ thần kinh rất mạnh, tác động đến tim mạch, hệ tiêu hóa, hô hấp... Với ma túy thế hệ mới, người sử dụng không xuất hiện cơn cai điển hình.

Ma túy truyền thống sẽ xuất hiện cơn cai điển hình, dễ phát hiện nhưng ma túy thế hệ mới khó phát hiện hơn rất nhiều.

Ma túy thế hệ mới gây biến đổi nhân cách

PV: Xin ông nói rõ hơn về sức tàn phá của loại ma túy thế hệ mới này. Liệu những đứa trẻ lệ thuộc vào ma túy nước ép có “bay” tới miền hoang tưởng, thưa ông?

Ông La Đức Cương: Điều nguy hại nhất của các loại ma túy thế hệ mới chính là sự biến đổi nhân cách, rối loạn tâm thần, lo âu, trầm cảm, gây ảo giác...

Mỗi người có một loại ảo giác, hoang tưởng khác nhau (hoang tưởng bị hại, ý tưởng tự cao hay còn gọi hoang tưởng khinh xuất hiểm nguy-PV).

Khi sử dụng ma túy “nước dâu”, người dùng có thể bị rối loạn hành vi, rơi vào trạng thái ảo giác rùng rợn khiến người dùng nóng tính, dễ nảy sinh cảm xúc thù hận, mất kiểm soát...

Có người bị ảo giác xui khiến, trong đầu phảng phất có ai xui mình phải “gây đau đớn” cho người khác, hụy lụy dẫn đến những vụ gây thương tích đau lòng. Có trường hợp khi dùng ma túy thế hệ mới có thể mắc chứng ảo thị. Ảo thị thường xuất hiện khi quá trình tri giác bị trở ngại như rối loạn ý thức (mê sảng, mê mộng), khi quá mệt mỏi, hoảng hốt hay khi điều kiện ánh sáng thiếu (đêm tối). Khi đó, họ có thể hình dung ra một đám đông người, một đàn thú dữ, một đàn sâu bọ và có thể là ảo thị tự thấy mình.

Thái độ của người bệnh trước ảo thị cũng khác nhau: Có thể say mê, thích thú nhìn ngắm, bàng quan ngơ ngác, sợ hãi bỏ chạy hay họ tham gia hoạt động cùng ảo thị...

Khi sử dụng ma túy thế hệ mới, có người lại mắc chứng ý tưởng tự cao, hoang tưởng khinh xuất cho rằng mình có khả năng vượt trội- nhảy múa trên cao, đi trên dây điện... và họ sẽ có những hành động có thể gây nguy hại cho chính bản thân.

PV: Vậy ông có cảnh báo gì với giới trẻ trước vấn nạn ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm hiện nay?

Ông La Đức Cương: Qua các vụ án do Công an triệt phá thời gian vừa qua cho thấy các ma túy tổng hợp mới đang “bủa vây” đối tượng sử dụng là thanh thiếu niên.

Theo quan điểm của tôi, các bậc phụ huynh phải quản lý, thường xuyên theo dõi con em mình. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời, hậu quả sẽ rất lớn. Thực tế cho thấy, sự thiếu quan tâm, buông lỏng giáo dục của gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến một số bộ phận thanh thiếu niên không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê dẫn tới sa ngã vào con đường ma tuý. Nhiều gia đình coi nhẹ việc quản lý, giáo dục con cái, thậm chí né tránh trách nhiệm khi con sa ngã. Có gia đình lại quá nuông chiều, khi phát hiện con mình nghiện ma tuý chỉ một mực tìm cách bao che, dung túng...

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần đưa giáo dục phòng chống ma túy vào trong nhà trường một cách bài bản để giúp mỗi học sinh nhận thức được ma túy thẩm lậu bằng nhiều hình thức giúp chính bản thân mỗi học sinh phải nêu cao cảnh giác ở mọi nơi, tránh xa ma túy.

Từ vụ phát hiện ma túy "nước dâu", nhà trường, phụ huynh cần quan tâm tuyên truyền cho học sinh, con em nâng cao cảnh giác, tránh việc tự ý mua đồ uống tại cổng trường, khu vui chơi giải trí mà không có sự kiểm tra, xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần rà soát việc người dùng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trao đổi, mua bán ma túy biến tướng trên không gian mạng. Đồng thời, kiểm soát chặt những sản phẩm bán trước cổng trường, thậm chí kiểm soát bằng mã vạch để ngăn chặn những hiểm họa rình rập giới trẻ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hương Lan

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Thứ 5 (số 167)

Tin nổi bật