Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo hội chứng thận hư ở trẻ em, mức độ nguy hiểm đến tính mạng như thế nào?

  • Nguyễn Linh
(DS&PL) -

Gần đây, không ít trẻ nhỏ phải nhập viện vì hội chứng thận hư khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Thực tế, nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời rất dễ khiến trẻ gặp nguy hiểm tính mạng.

Theo thông tin từ website Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), hội chứng thận hư là bệnh lý cầu thận thường gặp ở trẻ em, phổ biến ở độ tuổi từ 2-10 tuổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hoa – Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Hội chứng thận hư ở trẻ em là tình trạng một lượng lớn protein (albumin) bị mất qua nước tiểu, gây ra tình trạng giảm protein trong máu. Protein có vai trò quan trọng trong việc giữ nước ở lòng mạch. Khi lượng protein trong máu của trẻ đủ thấp thì nước sẽ thoát ra các mô kẽ, gây tình trạng phù nề. Vì vậy, trẻ bị hội chứng thận hư có triệu chứng nước tiểu có nhiều bọt, đôi khi có tiểu máu, phù ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể như mặt, tay, chân, bụng, tràn dịch đa màng…"

Trẻ điều trị hội chứng thận hư ở bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy

Hội chứng thận hư ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hội chứng thận hư có thể biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sự phát triển, thậm chí là tính mạng của trẻ như: Suy thận cấp, chèn ép tim cấp do tràn dịch màng tim, nhiễm trùng huyết… Đặc biệt, hội chứng thận hư kháng thuốc có thể bị suy thận mạn tính dẫn đến nguy cơ phải lọc máu và ghép thận...”

Mặc dù hội chứng thận hư ở trẻ em vẫn chưa có các điều trị hoàn toàn nhưng nếu bệnh không được phát hiện và có phương pháp hỗ trợ điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Các loại hội chứng thận hư ở trẻ em

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, hội chứng thận hư ở trẻ được chia làm 3 loại chính, gồm: (2)

Hội chứng thận hư ở trẻ em liên quan tới nhiều hội chứng khác. Ảnh minh họa

Hội chứng thận hư tiên phát: Hội chứng thận hư tiên phát chiếm 90% trẻ mắc hội chứng thận hư. Bệnh gặp ở bé trai cao hơn bé gái. tuổi thường gặp từ 1-10 tuổi.

Hội chứng thận hư thứ phát: Bệnh thường xảy ra sau khi trẻ mắc các bệnh khác ví dụ: nhiễm virus hoặc ký sinh trùng (viêm gan siêu vi B,C, HIV, sốt rét, …) hay các bệnh lý liên quan tới miễn dịch (lupus ban đỏ, Henoch-Schonlein), sau nhiễm liên cầu bêta tan huyết nhóm A… hoặc ung thư (lymphoma, Hodgkin), hội chứng Alport hoặc hội chứng tán huyết urê huyết cao.

Hội chứng thận hư bẩm sinh: Đây là một bệnh lý hiếm gặp, xảy ra ở trẻ em trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh.

Bệnh có thể xảy ra do các nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát sau nhiễm trùng (sốt rét, HIV, viêm gan siêu vi, giang mai, toxoplasma rubella,…). 

Bệnh có thể liên quan tới gen như hội chứng thận hư type Phần Lan, Hội chứng Denys Drash…

Triệu chứng gây thận hư ở trẻ em

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), trẻ bị hội chứng thận hư thường sẽ có các triệu chứng sau:

Phù: nề mi mắt, phù chân, nề thành bụng, tràn dịch màng bụng, bộ phận sinh dục…

Trẻ bị phù khi mắc hội chứng thận hư. Ảnh minh họa

Nước tiểu có bọt để lâu tan;

Tăng cân bất thường;

Nước tiểu có màu đỏ, tăng huyết áp (trong hội chứng thận hư không đơn thuần);

Nồng độ cholesterol trong máu cao;

Tiểu ít hơn bình thường;

Mệt mỏi;

Chán ăn.

Điều trị trẻ mắc hội chứng thận hư

Cha mẹ cần tuân thủ phác đồ điều trị cho trẻ mắc thận hư. Ảnh minh họa

Khoảng 80% bệnh nhi trong độ tuổi từ 2-9 tuổi mắc hội chứng hư thận tiên phát có đáp ứng tốt với thuốc sau điều trị.

Tuy nhiên phụ huynh cần lưu ý việc điều trị hội chứng thận hư ở trẻ cần tuân thủ triệt để theo y lệnh và đơn kê của bác sĩ vì thời gian cần để bệnh có thể ổn định tương đối kéo dài, tránh tình trạng khám thuốc. 

Ngoài ra, trẻ không được tự ngưng thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ. Nếu thuốc sắp hết, bố mẹ cần thông báo sớm cho bác sĩ, tránh để quá trình điều trị bị gián đoạn.

Chế độ ăn uống với hội chứng thận hư trẻ em

Giảm lượng muối cung cấp cho cơ thể mỗi ngày: giảm gánh nặng cho thận, giảm nguy cơ tăng huyết áp và cải thiện tình trạng phù.

Thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol nếu trẻ có dấu hiệu tăng cholesterol và chất béo trung tính trong máu: giảm nguy xuất hiện biến chứng.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với trẻ bị thận hư. Ảnh minh họa

Duy trì lượng protein bình thường trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, ở trẻ bị hội chứng thận hư, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng trong điều trị, giúp trẻ hồi phục sức khỏe.

Ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, beta caroten, vitamin A, selenium (như các loại rau xanh, quả chín có màu đỏ và vàng: đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam...). Trong các trường hợp đi tiểu ít và có kali máu tăng thì phải hạn chế rau quả.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

Trẻ em được khuyến cáo không cần kiêng các chất tinh bột. Ảnh minh họa

1. Chất đường bột: các loại gạo, mì, khoai sắn. Không cần kiêng bất cứ loại nào.

2. Chất béo: các loại dầu thực vật (dầu đậu tương, dầu mè, lạc vừng...).

Giảm số lượng, hạn chế ăn mỡ động vật.

Nên chế biến bằng cách hấp, luộc; hạn chế xào, rán.

3. Chất đạm:

Ăn thịt nạc, cá nạc, trứng sữa, đậu đỗ... Không sử dụng các phủ tạng động vật như: tim, gan, thận, óc, dạ dày... Hạn chế trứng: 1 - 2 quả/tuần.

Nên sử dụng sữa bột tách bơ (sữa gầy) để tăng cường lượng đạm và canxi.

4. Các loại rau quả:

Ăn được tất cả các loại rau quả như người bình thường, trừ trường hợp tiểu ít thì phải hạn chế rau quả có hàm lượng kali cao như cam, chanh, chuối, dứa, mận...

Nguyễn Linh (T/h)

Tin nổi bật