Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo giá lương thực trên thị trường thế giới tăng cao trở lại

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, những yêu cầu pháp lý của Nga cần được giải quyết và các bên cũng cần thảo luận để có thể gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Ngày 5/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo, giá lương thực trên thị trường thế giới có thể sẽ tăng cao trở lại nếu những tranh cãi hiện nay về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được giải quyết.

Theo ông Cavusoglu, những yêu cầu pháp lý của Nga cần được giải quyết và các bên cũng cần thảo luận việc kết nối lại ngân hàng Rosselkhozbank của Nga với hệ thống SWIFT.

Thu hoạch lúa mì gần vùng Stavropol (Nga). Ảnh: Bloomber

Hồi tháng 7/2022, Nga và Ukraine đã ký riêng rẽ các thỏa thuận với Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine, được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Điều này đã kéo chỉ số giá lương thực thế giới giảm 9%, qua đó giúp giảm bớt gánh nặng trên bàn ăn của rất nhiều hộ gia đình.

Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, sau đó được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11/2022, tiếp tục gia hạn 60 ngày vào ngày 18/3 vừa qua và sẽ hết hạn vào ngày 18/5 tới.

Tuy nhiên, cơ hội để kéo dài thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đang ngày càng bị thu hẹp. Cuộc đàm phán giữa các bên về vấn đề này vẫn đang tiếp tục song không đạt được bất cứ đột phá nào. Đây là khẳng định của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước báo giới hôm 2/5.

Moscow đã không ít lần nói rằng sẽ không thể tiếp tục gia hạn thỏa thuận nếu các yêu cầu của Nga về xuất khẩu nông sản và phân bón không được đáp ứng. Một trong các yêu cầu của Nga là phương Tây phải gia hạn thêm thỏa thuận liên quan đến việc kết nối lại ngân hàng  nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga với Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

Bên cạnh đó, Nga có những yêu cầu khác liên quan tới tái cung cấp máy móc nông nghiệp, phụ tùng và dịch vụ; dỡ bỏ các hạn chế đối với bảo hiểm và tái bảo hiểm; gỡ lệnh cấm tiếp cận các cảng; cho phép tuyến đường ống dẫn khí amoniac Togliatti - Odessa hoạt động trở lại và dỡ bỏ phong tỏa tài sản, tài khoản ở nước ngoài của các công ty Nga có liên quan đến hoạt động sản xuất, vận chuyển thực phẩm và phân bón.

Đầu tháng 4, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala kêu gọi các nền kinh tế phát triển cảnh giác với các dấu hiệu khủng hoảng lương thực sẽ gây ra nạn đói ở các quốc gia nghèo hơn. Bà Okonjo-Iweala nhắc lại những lời kêu gọi trước đó về việc dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu với lương thực và phân bón, lưu ý rằng tính đến tháng 4-2023, vẫn có 67 quốc gia áp dụng các hạn chế này.

Bà Okonjo-Iweala cũng cảnh báo rằng thương mại toàn cầu có thể “vẫn chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài trong năm 2023”, như cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác, lạm phát và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật