Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, hướng vào Bình Định- Ninh Thuận

(DS&PL) -

Theo dự báo, trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển nhanh theo hướng Tây, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

Theo dự báo, trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển nhanh theo hướng Tây, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Báo Nhân Dân dẫn dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho thấy, vào hồi 7h ngày 29/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,5 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 140 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ vĩ bắc; 112,3 độ kinh đông, cách các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 300 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: kttv.gov.vn

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía bắc vĩ tuyến 10,0 độ vĩ bắc.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7h ngày 31/10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 12,5 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của ATNĐ sau có khả năng mạnh lên thành bão, ở khu vực bắc và giữa Biển Đông và vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh.

Từ ngày mai (30/10), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh; ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã ra chỉ đạo, cảnh báo người dân chủ động trong công tác phòng chống bão.

Theo đó, vùng ảnh hưởng của bão là khu vực dân cư đông đúc, kinh tế phát triển nhiều đô thị lớn và khu du lịch, nghỉ dưỡng, dọc dải ven biển và trên các đảo có khách du lịch trong nước và quốc tế.

Kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân còn hạn chế, số lượng tàu thuyền còn khá nhiều trên biển. Tính đến 6h ngày 29/10, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.968 phương tiện/209.082 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ. Trong đó, hoạt động khu vực nguy hiểm là 741 tàu/8.487 người.

Về nuôi trồng thủy sản, khu vực có khả năng ảnh hưởng hiện có 144.111 ô lồng (tại Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định), là nơi nuôi trồng thủy sản lớn, giá trị cao.

Mặt khác, khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Mực nước các hồ chứa thủy lợi khu vực Trung Bộ còn ở mức thấp, nhiều hồ chứa đã xuống cấp hoặc đang sửa chữa; Các hồ chứa Tây Nguyên ở mức 72-89% dung tích thiết kế; có 5 hồ chứa có cửa van đang xả tràn; 41 hồ chứa hư hỏng và 18 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.

Ban Chỉ đạo cảnh báo, lũ trên các sông lên cao, khả năng ngập lụt ven sông, khu đô thị: Bình Định, Nha Trang,…

Hiện, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị Cơ quan đại diện của các nước liên quan tại Việt Nam (Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan) phối hợp, trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện cho tàu thuyền được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó; riêng BCH PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa sáng 29/10 tổ chức họp triển khai công tác ứng phó với ATNĐ và mưa lớn diện rộng.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật