Báo Công an nhân dân đưa tin, ngày 7/10, TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an tỉnh An Giang.
Theo đó, 5 bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Bá Quận (61 tuổi, nguyên Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh An Giang); Nguyễn Hữu Ân (48 tuổi, nguyên Phó đội trưởng Đội đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ), Bùi Quốc Khánh (33 tuổi, nguyên Đội trưởng đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ), Võ Chí Linh (41 tuổi) và Nguyễn Hoàng Em (38 tuổi, nguyên cán bộ cùng thuộc Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh An Giang).
Bị cáo Quận tại phiên tòa. Ảnh: Báo Công an nhân dân.
Các bị cáo bị VKSND cáo buộc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị cáo này đã can thiệp vào hệ thống phần mềm cấp biển số xe ngẫu nhiên để cấp biển số đẹp vì lợi ích cá nhân.
Cụ thể, nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch cho tất cả mọi người, năm 2012, Bộ Công an và các đơn vị liên quan đã triển khai phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ trên phạm vi toàn quốc, về việc cấp biển số xe bằng hình thức bấm số ngẫu nhiên, có trang bị màn hình điện tử hiển thị kết quả bấm biển số.
Để phục vụ cho công tác đăng ký, Cục CSGT Bộ Công an đã cấp cho Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang mật khẩu tài khoản để cập nhật, thao tác trên phần mềm trong quá trình đăng ký. Trong đó, bị cáo Quận được cấp mật khẩu cấp lãnh đạo, Ân, Khánh, Hoàng Em, Linh được cấp mật khẩu, tài khoản quyền cán bộ. Những cán bộ này sử dụng các mật khẩu tài khoản được cấp để thực hiện các thủ tục đăng ký mới, sang tên trong và ngoài tỉnh, thu hồi cải tạo xe, xác minh trong tỉnh, cập nhật trạng thái phương tiện ô tô.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Báo Thanh niên.
Lợi dụng việc được giao mật khẩu quản lý hệ thống cấp biển số xe, các bị cáo nhận ra có thể tham gia vào quá trình cấp biển số bằng nhiều thao tác và thủ đoạn gian đối. Theo cáo trạng, từ tháng 8/2012 đến 6/2021, Quận với vai trò Trưởng phòng CSGT đường bộ đã chỉ đạo và giao tài khoản quyền lãnh đạo cho Ân và Khánh để thao tác cấp biển số theo ý muốn.
Được sự giúp sức của Hoàng Em và Linh, Ân, Khánh lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã can thiệp sai quy định vào phần mềm đăng ký, quản lý xe ô tô để thực hiện việc chọn, cấp biển số xe ô tô theo ý muốn của bản thân, người thân, người quen.
Bị cáo Quận khai nhận đã kêu Ân tìm cách can thiệp lấy biển số theo ý muốn trên phần mềm đăng ký xe ô tô, mục đích để cấp cho người có yêu cầu. Bị cáo Quận chỉ kêu cấp biển số theo ý muốn khoảng 50 biển số, trong đó bị cáo này nhớ là cấp cho con ruột 8 biển số ô tô (67A-123.45, 67C-066.66, 67A-066.60, 67A-068.69, 67C-095.99, 67B-019.99, 67A-009.80, 67A-009.52); cấp cho người thân, người quen là lãnh đạo, cán bộ sở, ban, ngành trong tỉnh nhiều biển số; cho bạn bè, những người quen có quan hệ vay mượn tiền qua lại và cấp nhiều biển số xe cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cường. Việc làm này của bị cáo Quận là do nể nang và nhằm tạo uy tín cho bản thân để thuận lợi trong công tác hoặc việc kinh doanh của gia đình.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 2/2020, Quận đã chỉ đạo và giao tài khoản quyền lãnh đạo kèm mật khẩu cho Ân và Khánh để thao tác cấp theo ý muốn 3.657 biển số.
Khánh thao tác cấp biển số sai quy định cho bản thân Khánh, cho người nhà, người thân, người quen, người có chức vụ nhằm thỏa mãn mong muốn sử dụng biển số đẹp của chủ phương tiện. Ngoài ra, Khánh có xin bị cáo Quận cấp 2 biển số 67A-045.67, 67C-098.99 cho bản thân và bạn.
Tổng cộng có 5.056 biển số cấp sai quy định gồm: 4.175 biển số cấp bằng cách hoán đổi; 881 biển số cấp bằng cách nhập dữ liệu cũ lấy biển số trực tiếp sai quy định.
Cáo trạng cũng miêu tả rõ thủ đoạn can thiệp vào quy trình cấp biển số của các cựu cán bộ CSGT này. Cụ thể, để thực hiện hành vi, nhóm của Quận can thiệp vào phần mềm đăng ký xe ô tô hoán đổi biển số, hoán đổi xe. Khi chủ xe bấm số ngẫu nhiên mà ra biển số nằm trong danh sách biển số đẹp cần giữ lại thì nhóm này nói do mạng bị lỗi, yêu cầu chủ xe bấm lại. Nhóm này sửa thông tin bằng cách thêm, bớt 1 - 2 ký tự ở số khung hoặc số máy trên phần mềm để không trùng khớp phương tiện đăng ký và cho bấm lại. Khi nào chủ xe bấm ra biển số không nằm trong danh sách biển số đẹp thì được cấp biển số. Đối với các biển số xe đã bấm nằm trong danh sách biển số đẹp cần giữ lại, nhóm này can thiệp vào phần mềm chỉnh sửa rồi lưu lại trên hệ thống đăng ký xe ở trạng thái chưa hoàn thành, nhằm để cấp theo ý muốn của chủ phương tiện.
Ngoài ra, nhóm này còn lợi dụng chức năng dữ liệu cũ để cấp trực tiếp biển số bằng cách dùng tài khoản quyền cán bộ để can thiệp phần mềm cho phù hợp với thời điểm đăng ký phương tiện, để cấp biển số xe đẹp cho cá nhân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, việc cấp biển số xe đẹp không chỉ để dùng cho bản thân, người thân, người quen... mà các bị cáo còn có dấu hiệu môi giới mua bán nhằm mục đích thu lợi bất chính. Cụ thể, theo cáo trạng, rất nhiều chủ phương tiện đã gặp "cò" làm biển số và các nhân viên tư vấn bán xe để chi tiền từ 1 - 50 triệu đồng để được nhóm đối tượng này cấp biển số theo ý muốn, theo báo Thanh niên.
Dự kiến, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ cấp biển số đẹp diễn ra đến ngày 13/10.
Bảo An (T/h)