Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 1/3/2019, tại Quyết định số 3632, phê duyệt cho công ty An Tú trúng gói thầu số 02: “Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị" thuộc kế hoạch mua sắm thiết bị từ nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2021.
Trong đó, giá dự toán gói thầu là 1.422.552.000 đồng, giá trúng thầu là 1.322.432.000 đồng. Số tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước là 13.432.000 đồng.
Sau khi rà soát, so sánh với giá thị trường, phóng viên nhận thấy có nhiều sản phẩm được mua với giá cao hơn nhiều, nguy cơ ngân sách Nhà nước có thể thất thoát khoảng hàng trăm triệu tỷ đồng.
Đơn cử, với thiết bị Máy chiếu Sony được chào mua với số lượng 5 chiếc, giá tại gói thầu được chủ đầu tư mua là 4.543.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, cùng thiết bị này với xuất xứ và các thông số kỹ thuật tương tự, thị trường đang có giá 3.500.000 đồng/ chiếc.
Điều hòa Carrier có giá tại gói thầu là 9.854.000 đồng/chiếc, nhưng trên thị trường chỉ có giá 7.530.000 đồng, số tiền
Cùng sản phẩm điều hòa có ký hiệu Casper, trên hệ thống điện máy có tiếng đang được niêm yết giá công khai là 10.663.000 đồng. Thế nhưng, chủ đầu tư đã mua với giá 13.987.000 đồng. Số tiền trong hạng mục này bị chênh lệch khá lớn.
Thiết bị chuyển mạch có giá tại gói thầu là 65.386.000 đồng, nhưng theo khảo sát của phóng viên trên thị trường bán với giá 45.443.000 đồng, chênh lệch gấp đôi, 58.196.000 đồng/thiết bị.
Phóng viên vẫn chưa tiến hành rà soát đầy đủ mặt hàng còn lại nhưng chỉ sơ bộ như vậy đã thấy được dấu hiệu nhiều sản phẩm trong gói thầu này đội giá cao hơn thị trường, nguy cơ thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến nghi vấn có sự chênh giá, đội giá ở các gói thầu xuất hiện tại một số địa phương hiện nay, chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng, điều này đặt ra vấn đề là trách nhiệm của bên tổ chức đấu thầu, khi lựa chọn nhà thầu, xác định giá trị thì phải có sự tham khảo giá thị trường, đơn vị khác, sát với thực tế.
Trường hợp xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 90, luật Đấu thầu 2013).
Cũng theo luật sư Việt, pháp luật đã quy định các chế tài để xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, nhưng việc thực thi, chấp hành các quy định lại phụ thuộc vào con người. Ở đây là những người tổ chức thực hiện hoạt động đấu thầu. Vậy nên, để hoạt động đấu thầu được diễn ra đúng quy định, đúng mục đích là mang đến sự công bằng, khách quan, thì cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không hành vi tham nhũng, cố tình móc ngoặc nhằm “rút ruột” ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu, nếu có sai phạm, có hành vi trục lợi bất chính thì tùy từng trường hợp cần có phương án xử lý theo quy định của pháp luật.
Hồ Quân