(ĐSPL) - Trong khi nhiều người lao động đang sinh sống và là việc tại Bình Dương vui mừng, háo hức vì được sở hữu những căn hộ giá 100 triệu đồng, thì lao động tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM lại đang sốt ruột ngóng trông "bao giờ thì Hà Nội, TP.HCM có căn hộ giá 100 triệu?".
Ngày 3/4, UBND tỉnh Bình Dương đã khánh thành gần 5.000 căn nhà ở xã hội và tiếp tục khởi công 10.000 căn hộ mới. Cùng với Đồng Nai, Bộ Xây dựng nhận định đây là những mô hình thành công tạo cơ hội an cư lạc nghiệp cho hàng chục ngàn người lao động.
Những căn hộ rộng 30m2 (trong đó diện tích sàn 20m2, gác 10m2) với giá chỉ 100-150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20\%.
Cư dân ở đây cho biết dù căn hộ có diện tích sử dụng chỉ 30 m2 (20 m2 sàn, 10 m2 gác lửng) nhưng thiết kế gọn. Công nhân không có tiền “mua thẳng” thì trả góp, tiền trả góp mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng – tương đương với tiền thuê nhà trọ nhưng sau 5-7 năm thì nắm được chủ quyền căn hộ.
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, Bình Dương thu hút hơn 1,1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ; trong đó có hơn 660 nghìn lao động là người ngoài tỉnh, phần lớn trong số đó đều có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi, những lao động này chủ yếu phải ở nhà thuê, rất ít người mua được nhà.
Về chất lượng của những căn hộ thuộc diện này, theo ông Thạnh: “Sở Xây dựng và đơn vị liên quan luôn theo dõi, kiểm tra rất sát chứ không phải muốn xây sao cũng được”.
Mô hình căn hộ giá 100 triệu của Bình Dương rất tốt mà các địa phương khác phải học hỏi để nhân rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn - nơi người thu nhập thấp, dân nhập cư rất khát khao một mái nhà để an cư. |
|
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Became IDC - chủ đầu tư xây căn hộ xã hội ở Bình Dương, cho biết hiện rất nhiều người dân muốn mua trả góp nhà ở xã hội bằng cách vay gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng từ chính phủ. Tuy nhiên thủ tục vay khá khó, người vay phải có 20\% vốn đối ứng. “Chúng tôi sẽ bàn với phía ngân hàng giải quyết việc này. Becamex sẽ đứng ra bảo lãnh để người dân vay tiền mua căn hộ” – ông Hùng nói.
Ông Bùi Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết sở dĩ căn hộ được nhiều người mua là vì người dân chỉ phải trả trước 10\% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, rồi sẽ được xây và ở
Theo ông Bùi Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, những căn hộ giai đoạn 1 được bán ra với giá 110-155 triệu đồng tùy vị trí. Rất nhiều khách hàng không đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ của nhà nước thì được Becamex bán trả chậm, trả góp với thời gia trả linh hoạt từ 5-10 năm. “Người dân tạm trú ở Bình Dương ít nhất 6 tháng và có 10\% tiền trả thì chúng tôi sẽ bán. Sau khi vào ở, mỗi tháng họ trả tiếp chỉ hơn 1 triệu đồng”.
Ngoài căn hộ loại 30 m2, Becamex IDC cho biết ở giai đoạn 2 sẽ có những căn hộ diện tích từ 50-70 m2 nhằm phục vụ nhu cầu lớn hơn của người mua. Ông Bùi Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết giá thấp nhất của căn hộ giai đoạn 2 vẫn là 110 triệu đồng/ căn, giá cao của mỗi căn hộ không quá 8 triệu đồng/m2.
Video: Đối tượng nào được mua nhà 100 triệu ở Bình Dương?
Giai đoạn 2 Becamex IDC sẽ xây dựng khoảng 10 nghìn căn hộ tại phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một) và khu đô thị Việt Sing (thị xã Thuận An).
Cụ thể trong giai đoạn hai này, tại phường Định Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, Becamex IDC sẽ xây dựng 6.130 căn; tại Khu định cư Việt Sing, thị xã Thuận An, Becamex IDC sẽ xây dựng 4.652 căn.
Mô hình nhà ở xã hội ở Bình Dương, Đồng Nai... đang được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, để triển khai rộng ra nhiều nơi còn không ít vấn đề vướng mắc. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) Lê Hoàng Châu phân tích:
Mô hình của Bình Dương rất tốt mà các địa phương khác phải học hỏi để nhân rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn - nơi người thu nhập thấp, dân nhập cư rất khát khao một mái nhà để an cư.
Nhiều người cho rằng nếu làm không khéo là khu “ổ chuột”, nhưng thực tế đây là phát triển đô thị dành cho người thu nhập thấp có kiểm soát. Vừa qua do thiếu kiểm soát xung quanh các khu công nghiệp ở quận Bình Tân, Bình Chánh... người ta mới xây lên những khu trọ chưa đạt chuẩn dành cho người nhập cư.
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy đầu tiên họ chấp nhận ở chật, xấu, tiện ích tối thiểu, sau khi đất nước phát triển họ quy hoạch lại. Mỗi giai đoạn cần có quy hoạch phù hợp, giai đoạn này nước ta còn nghèo và nguồn lực còn hạn hẹp, thu nhập người dân còn thấp nên cho phép những sản phẩm này ra đời.
Tuy nhiên, các khu này phải kết nối giao thông thuận lợi, đảm bảo tiện ích đi kèm để tránh biến thành các khu đô thị không người ở như một số dự án tái định cư trước đây.
Dù căn hộ giá 100 triệu đồng có diện tích sử dụng chỉ 30 m2 (20 m2 sàn, 10 m2 gác lửng) nhưng thiết kế gọn. |
|
Thông tin trên báo Đất Việt, Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá cao dự án nhà ở xã hội của Becamex IDC.
"Đây là một thành công rất lớn của Becamex và là một điểm sáng lớn của nhà ở xã hội phía nam. TP.HCM cho đến hôm nay chưa có căn nhà ở xã hội nào chính thức được xây dựng. Những chung cư mang tiếng là nhà ở xã hội ở TP.HCM đều từ nhà tái định cư mà ra. Hiện nay Công ty Địa ốc Hoàng Quân xây 4 block ở Hoàng Quân Plaza mà thôi, còn Bình Dương là những người đi sau TP.HCM nhưng lại về trước. Họ chọn một loại nhà ở rất thông minh và nhân bản.
Tôi đã xem nhà của Becamex và thấy cách làm rất thông minh. Họ làm căn hộ 30m2 gồm 2 phần: 20m2 tầng dưới và 10m2 tầng lửng, như vậy cả hai phần đều rất thông thoáng. Nếu họ chỉ làm 1 tầng và ngăn phòng ra sẽ rất bí".
Nói rằng bất kỳ dự án nhà ở xã hội nào cũng nhận được ưu đãi, nhưng cho đến nay Bình Dương làm được nhà ở giá 100 triệu đồng, còn Hà Nội, TP.HCM thì không, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng:
"Bình Dương có một chính sách xuyên suốt, mạnh dạn về nhà ở xã hội. Có thể UBND tỉnh chỉ đạo xuống Becamex, Becamex giống như một công cụ của tỉnh để thực hiện chiến lược nhà ở xã hội của Bình Dương và họ được duyệt những căn hộ 30m2.
Còn ở TP.HCM, đố ai xin được căn hộ 30m2? Tôi đã đeo đuổi vấn đề này 4-5 năm nay mà chưa được. TP.HCM không cho căn hộ 30m2 mà chỉ cho căn hộ 50-60m2 trở lên.
Làm nhà thu nhập thấp, tiền sử dụng đất rất thấp so với tiền mua đất và tiền làm hạ tầng. Tuy doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nhưng phải mua đất, điện nước, đường sá... doanh nghiệp phải làm hết chứ không phải như Bình Dương miễn phí những cái này. Chính vì thế, tiền mua đất làm hạ tầng bị đánh đồng trong tiền căn hộ tới 1-2 triệu đồng/m2.
Bình Dương lấy đất từ khu đô thị mới đem làm nhà ở xã hội nên không có tình trạng trên".
Đối với Hà Nội, theo ông Nguyễn Văn Đực còn có một lý do khác. Đó là đơn giá xây dựng của Hà Nội cao hơn, tiền vật tư, tiền nhân công tính theo đơn giá nhà nước, mà đơn giá nhà nước rất cao, đẩy giá thành xây dựng lên cao.
"Trong đơn giá kia có thể có lợi ích nhóm, nghĩa là chủ đầu tư làm nhà ở xã hội có khi cũng lời tiền thi công.
Ví dụ, chúng tôi thiết kế chung cư thu nhập thấp từ 12 – 15 tầng cho thấy: Đơn giá theo dự toán 1m2 xây dựng hoàn chỉnh: Vật tư 2,941 triệu đồng/m2; Nhân công 2,956 triệu đồng/m2. Trong khi thực tế nhân công 1,179 triệu đồng/m2. Đơn giá nhân công theo dự toán hơn 2,51 lần so với nhân công thực tế.
Với kinh nghiệm của người dân và nhà thầu, giá nhân công chỉ khoảng 40\% giá vật tư, trong khi theo dự toán thì giá nhân công cao hơn vật tư là vô lý (lắp đặt thép, bàn cầu, bóng đèn cao hơn giá trị thép, bàn cầu, bóng đèn).
Chính vì giá nhà ở xã hội theo đơn giá nhà nước thành ra nó cao thêm một lần nữa", ông nói.
AN NHIÊN (Tổng hợp)