Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có đại biểu cho rằng, tại Điều 55 về nội dung ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản, dự thảo luật quy định cơ chế ủy thác thi hành án theo như quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 mới chỉ ủy thác cơ chế thi hành án cho toàn bộ vụ việc, chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản.
Từ đó, một số đại biểu cho rằng, điều này đã kéo dài thời gian xử lý án, chậm trễ quá trình thi hành án do trường hợp các đương sự có nhiều tài sản, phân tán nhiều nơi.
Trao đổi về nội dung này, Luật sư Vũ Thị Mai Phương – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sunlight (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: Việc bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản được đưa vào Luật sửa đổi bổ sung Luật thi hành án do thực tiễn xảy ra những vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Thông thường, với một vụ án, cơ quan thi hành án dân sự thường phải xử lý rất nhiều tài sản. Có những vụ án lớn; bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý hàng trăm tài sản để bảo đảm thi hành án, nhưng tài sản đó lại nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Đặc biệt là trong các vụ việc thi hành án đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và tín dụng, ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.....
Luật sư Vũ Thị Mai Phương – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sunlight.
Khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) mới chỉ quy định cơ chế ủy thác thi hành án (ủy thác toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thi hành án) mà chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để thực hiện, xử lý đồng thời tại các địa phương khác nhau. Theo quy định trên, để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành.
Theo quy định trên thì cơ quan thi hành án dân sự không được quyền xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định (kể cả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.....) và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có tài sản xử lý mà phải thực hiện theo thứ tự (nghĩa là xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới được ủy thác đến nơi có tài sản xử lý tiếp).
Hệ quả là gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản (nhất là khoản thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng, bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.......); ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án khi không được bảo đảm kịp thời; thậm chí không thu hồi được tài sản; giảm giá trị tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản; tốn kém thời gian; phát sinh chi phí tổ chức thi hành án, phát sinh thêm khoản tiền lãi chậm thi hành án mà người phải thi hành án sẽ phải chịu, chưa kể làm tăng thủ tục, chậm cải cách hành chính trong thi hành án dân sự.
Việc chậm xử lý tài sản, Luật sư Phương cho biết: Đối với tài sản là động sản đã kê biên như xe máy, ô tô, tranh, đồng hồ, trang sức, đồ dùng ....việc thu giữ do để quá lâu thì làm giảm giá trị làm hư hỏng tài sản; bất động sản và tàì sản khác mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang quản lý, sử dụng việc chậm xử lý có thể bị tẩu tán tài sản, không thu giữ được tài sản để thi hành án thậm chí dẫn đến vụ án khác do người quản lý tài sản đem tài sản để thự hiện hành vi vi phạm pháp luật khác: đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sàn.....
Hiện nay, tại Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu Quốc hội đã đưa ý kiến để được quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Việc ủy thác xử lý tài sản được thực hiện trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau là hết sức cần thiết để đảm bảo việc thi hành án được kịp thời và hiệu quả, tránh tình trạng bản án tuyên xong quá khó để thi hành hoặc không thi hành được..
Chính vì vậy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án về vấn đề này cần quy định rõ căn cứ và trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản như: Thực hiện việc ủy thác và nhận ủy thác xử lý tài sản; hồ sơ ủy thác; căn cứ để cơ quan nhận ủy thác áp dụng các trình tự, thủ tục xử lý tài sản; việc chuyển số tiền thi hành án thu được cho cơ quan nơi ủy thác thực hiện việc thanh toán tiền cho những người được thi hành án (cần quy định thời hạn cụ thể phải trả cho người được thi hành án nếu có đơn yêu cầu kể từ thời điểm sản được thu hồi về cơ quan thi hành án); quy định trách nhiệm của cơ quan nơi ủy thác và cơ quan nhận ủy thác (trong trường hợp cơ quan được ủy thác xử lý tài án nhưng đưa lý do để thoái thác trách nhiệm ủy thác xử lý tài sản); việc dừng xử lý tài sản trong trường hợp đã thu được số tiền đủ để thi hành án và các chi phí liên quan…
Thạc sĩ, Luật gia Trần Quang Hòa (Hòa Bình).
Cùng trao đổi về nội dung này, Thạc sĩ, Luật gia Trần Quang Hòa (Hòa Bình) nêu quan điểm: Tại Điều 81 Luật thi hành án dân sự có nội dung về biện pháp “Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ” và Điều 91 có quy định về biện pháp “Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ”. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp người thứ ba giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không giao nộp tiền, tài sản cho chấp hành viên và họ có tài sản ở địa phương khác. Theo quy định hiện nay thì chấp hành viên không thể ủy thác và cũng không thể tiến hành kê biên, xử lý tài sản của họ ở địa phương khác.
Do vậy, Luật gia Hòa đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung nội dung cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn; đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản trong các trường hợp bản án, quyết định đã kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.
Từ đó, các chuyên gia pháp lý cùng quan điểm cho rằng: Việc bổ sung quy định về ủy thác xử lý tài sản nêu trên sẽ tạo cơ chế cơ quan thi hành án dân sự có thể xử lý đồng thời các tài sản của người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau; góp phần quan trọng vào việc rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.....
Nguyễn Thúy