Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảm động cụ già 80 bán bánh mỳ được dân mạng giúp đỡ

(DS&PL) -

Cụ Lê Văn Tậu (79 tuổi) cảm động không nói nên lời khi được nhiều người đến giúp đỡ sau khi một cư dân mạng chia sẻ hoàn cảnh cụ cụ lên Facebook và kêu gọi ủng hộ.

Từ dòng chia sẻ trên Facebook của Minh Quân (SN 1995), ông Lê Văn Tậu (SN 1936) bán bánh mì rong sống qua ngày tại Hà Nội bị tai nạn giao thông được dân mạng giúp đỡ.

Biết đến câu chuyện của người ông bán bánh mì rong cần được giúp đỡ, Minh Quân, sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã chia sẻ trên Facebook cá nhân ngày 22/8.

Minh Quân chia sẻ hoàn cảnh của cụ Tậu và kêu gọi cư dân mạng giúp đỡ. Ảnh chụp màn hình Facebook

Lời cầu cứu của chàng trai trẻ nhanh chóng lan tỏa, nhận được hơn 4000 lượt like (thích) và gần 5000 lượt chia sẻ. Mỗi ngày, có rất đông lượt người đến thăm hỏi, động viên, ủng hộ ông già bán bánh mì. 

Gần 80 tuổi nhưng ông Lê Văn Tậu, trú thôn Phù Chấn, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, (Thanh Hóa) hằng ngày vẫn bán bánh mì rong tại khu vực chùa Bằng, chợ Đại Từ, cầu Tó, quận Hoàng Mai, (Hà Nội). Có lẽ ông sẽ còn làm công việc này lâu dài để mưu sinh nếu không bị tai nạn vào ngày 19/8 tại cổng chợ Đại Từ khi bị một chiếc xe máy đâm. Người gây tai nạn đền bù cho ông với số tiền 400.000 đồng. Ông Tậu đến cửa hiệu thuốc quen nhờ y tá sơ cứu vết thương. Nghe nói tiền vào viện chụp chiếu đã mất 800.000 đồng nên không còn cách nào khác, ông ngửa mũ ăn xin những người quanh khu vực chợ và tiếp tục bán hết số bánh mì còn lại. Về đến nhà vết thương mới trở nên đau nhức, ông Tậu được mọi người đưa đi viện chụp chiếu, băng bó. Không còn đi bán bánh mì, ông Tậu không có thu nhập, sống qua ngày nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.

Biết đến câu chuyện của người ông bán bánh mì rong, Minh Quân đã chia sẻ trên Facebook cá nhân ngày 22/8. Minh Quân kể lại: “Mình mới biết cụ từ ngày 23/8 qua câu chuyện của mẹ kể lại. Bởi mẹ mình thường xuyên đi chợ Đại Từ, đã quen cụ từ trước - là người bán bánh lâu năm tại đây. Nhận thấy sức mạnh của mạng xã hội, mình quyết định đến thăm, hỏi han, chụp ảnh và chia sẻ về câu chuyện của cụ trên Facebook cá nhân ngay chiều hôm đó”.

Cụ Tậu nhận phần quà là thùng cháo, hoa quả, và tiền mặt từ vợ chồng anh Vũ Văn Chỉnh (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Q.Q

Ngay sau khi chia sẻ vài tiếng đồng hồ, cộng đồng mạng đã đến tận nơi thăm hỏi, ủng hộ và động viên ông. Cô Toan, chủ tiệm bánh mì Đại Phát chia sẻ: “Buổi chiều cháu Quân đăng tin lên mạng, đến buổi tối đã có người đến đây thăm ông. Ngày hôm nay rất nhiều người đến, thời điểm đông nhất là vào buổi trưa, khi Quân đưa cụ đi băng bó thì đã có gần 20 người ngồi lại đây chờ để gặp cụ. Nhiều người đến mang theo cháo ăn liền, mì tôm, sữa, kẹo bánh. Mọi người giúp đỡ ông không chỉ về giá trị vật chất mà còn hứa sẽ tạo việc làm cho ông như mở quán nước, đưa ông vào trung tâm tình thương”.

Mỗi ngày, Quân là người đưa cụ đi băng bó vết thương. Chàng trai xúc động nói: ‘Mình rất bất ngờ vì thông tin được lan tỏa nhanh chóng. Đã có rất nhiều cá nhân, câu lạc bộ, hội nhóm đến thăm cụ. Mọi người ủng hộ cụ kẹo bánh, mì tôm, quần áo cũ và số tiền mặt cụ nhận được sau 2 ngày là 20 triệu đồng’.

Nhiều lượt người đến thăm, ông Tậu không ít lần bật khóc vì cảm động: “Tôi phấn khởi và vui lắm, không thấy đau, không thấy đói. Có làm mơ tôi cũng không nghĩ được mọi người dù không quen biết hỗ trợ, quan tâm, trong khi con cái lại bỏ rơi tôi. Bây giờ, tôi nhắm mắt cũng an lòng”.

Bữa cơm đạm bạc của cụ Tậu. Ảnh: Q.Q

Gặp ông Lê Văn Tậu trong căn phòng lụp xụp, rộng 3m2 được cơ nới trên tầng trệt của chủ tiệm bánh mì thấy được cuộc sống đầy thiếu thốn. Ông đã có hơn 10 năm mưu sinh tại Hà Nội với nghề bán bánh mì rong. Công việc hằng ngày của ông Tậu bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào lúc 9h30. Ông đạp xe, chở bánh mì bán rong quanh khu vực quận Hoàng Mai, người dân quen mặt gọi là “ông già bán bánh mì”.

Chia sẻ về công việc của mình, ông Tậu nói: “Tôi già rồi, không có sức bán cả ngày nên chỉ làm được buổi sáng, cũng không bán được ở bến xe vì sợ nghiện ngập, cướp giật. Tôi đi bán được ít mà người ta thương tình thì nhiều, nên mỗi người cho thêm vài đồng lẻ. Trung bình một tháng tôi thu nhập được 1,5 triệu đồng”.

Theo lời tâm sự, cuộc đời ông Tậu nhiều câu chuyện buồn, đến bây giờ khi tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng không hề có ai nương tựa. Ông Tậu có 2 đời vợ là bà Phạm Thị Một, đến từ huyện Triệu Sơn, (Thanh Hóa), 78 tuổi, đang sống cùng 4 con trai tại Bình Phước. Theo lời kể, ông và vợ mâu thuẫn từ ngày còn trẻ, bà Một đã dùng mọi cách để cướp sạch đất đai, gia tài của ông. Sau này, cả vợ và con đều bỏ đi sống tại Bình Phước, đối xử với ông rất tệ bạc.

Ông Tậu chia sẻ: “Đã có thời gian tôi vào Bình Phước sống 2 tháng cùng con nhưng không thể chịu được nên phải ra Hà Nội mưu sinh. Con chửi mắng tôi suốt ngày, từ việc ho khi ốm, bữa cơm đến trông cháu. Đến bây giờ, bao nhiêu năm các con cũng không hề liên lạc hay hỏi thăm bố, tuy đã già yếu. Giai đoạn ở cùng con là quãng thời gian khổ cực, nhiều nước mắt".

Người vợ thứ hai của ông Tậu là bà Lê Thị Thương (53 tuổi), đang ở cùng con gái là Lê Thị Thủy. Thủy năm nay học lớp 12 nhưng phải vừa học, vừa làm thêm tại bệnh viện để chăm mẹ bị chạy thận đã 3 năm.

Liên hệ với Thủy, cô cho biết: "Cuộc sống còn nhiều khó khăn, em làm thêm và chăm mẹ nên không thể phụng dưỡng bố, sẽ sớm sắp xếp thời gian lên thăm bố".

Lời cảm ơn của Quân gửi đến cộng đồng mạng và hình ảnh ông già bán bánh mì rong bật khóc trước sự giúp đỡ của mọi người. Ảnh chụp màn hình Facebook

Thiếu thốn tình cảm từ chính những người ruột thịt, già yếu không ai nương tựa, ông Tậu sống nhờ sự giúp đỡ của những người không quen biết tại Hà Nội. Ông kể, cô Toan, chủ tiệm bánh mì Đại Phát cho ông ở miễn phí và bán bánh mì với giá rẻ. Cô Dương Thị Thông, đến từ Hà Nam, người bán bánh mì cùng ông gần chục năm nay đã luôn thấu hiếu cuộc sống cơ cực, biếu ông từ bò gạo đến bữa cơm có thịt.

Hiện tại, cụ Tậu vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của mọi người.

Minh Quân, chàng trai đăng tải thông tin lên mạng xã hội cho biết: “Sau khi cụ lành vết thương, mình sẽ đưa cụ về quê tại Thanh Hóa để lấy giấy tờ, làm thủ tục cho cụ vào trung tâm Thụy An (Ba Vì). Đó cũng là mong muốn của cụ khi tuổi đã già, không còn ai nương tựa”.

Tin nổi bật