Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảm động câu chuyện người vợ nghèo 10 năm gồng gánh nuôi chồng bị liệt

(DS&PL) -

Suốt 10 năm qua, một thân gầy gồng gánh chăm chồng bị liệt, cũng có lúc chị Trang định buông xuôi, "ra đi cùng anh", nhưng tình yêu đã níu chị lại.

Suốt 10 năm qua, một thân gầy gồng gánh chăm chồng bị liệt, cũng có lúc chị Trang định buông xuôi, "ra đi cùng anh", nhưng tình yêu đã níu chị lại.

Chưa tàn trăng mật, tai họa đã ập đến

Anh Trung quê ở Yên Bái, học xong cấp 3 anh vào học chụp ảnh tại một tiệm cưới ở Việt Trì, Phú Thọ. Ở đây, anh quen và yêu Trang, cô thu ngân xinh xắn của tiệm. Sau gần một năm tìm hiểu, đến năm 2009 họ về chung một nhà.

Vợ chồng Anh Nguyễn Văn Trung và chị Nguyễn Thị Trang cưới nhau cách đây 10 năm - Ảnh: Kênh 14

Niềm vui chưa trọn, 3 tháng sau ngày cưới, trong một lần đến đón vợ sau giờ làm, anh Trung bị một người đàn ông ngoại quốc đi ô tô đâm trúng, gây chấn thương sọ não. Kể từ đó, chị Trang bắt đầu chuỗi ngày ở viện nuôi chồng.

Hết điều trị ở Phú Thọ, lại ở quê nhà Yên Bái, anh Trung vẫn không thể vận động, gần như vô thức. Một năm sau, người gây tai nạn tài trợ chi phí để chị Trang đưa chồng xuống Hà Nội chữa bệnh.

Sau 4 tháng châm cứu, anh Trung cử động được tay trái và nói được vài từ. Bác sĩ thông báo tình trạng bệnh tiến triển tốt, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ hạn hẹp như thế.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh chị, người gây tai nạn ngỏ ý muốn lo cho 2 người một công việc có thu nhập ổn định, lo nơi ăn chốn ở như bù đắp phần nào nhưng chị từ chối. "Khác nào mình đang ăn vạ người ta. Tôi còn khỏe, còn xoay sở được, không muốn trở thành gánh nặng của người khác", chị Trang chia sẻ với Tri thức trẻ.

10 năm tần tảo nuôi chồng

Chị Trang một mình chăm chồng bị liệt suốt 10 năm qua - Ảnh: Vnexpress

Sau khi ra viện, chị tìm thuê 1 căn phòng trọ chật hẹp, giá 1 triệu rưỡi ở Hà Nội để bám trụ. Để có tiền nuôi chồng, chị làm đủ nghề từ bán nước, bán ngô... Gần đây, chị được tuyển vào làm công nhân bán thời gian cho một xưởng giấy bên Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, có mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng.

Tình cờ quen được một người phụ nữ làm trong Hội chữ thập đỏ, đồng cảm với câu chuyện của vợ chồng, người này đón anh chị về ở, chỉ lấy tiền phòng 500 nghìn đồng mỗi tháng.

Mỗi ngày, chị Trang thức dậy từ 5h30 phút sáng, gọi anh rồi xoa bóp chân tay cho chồng. Sau đó chị xốc nách, kéo lê chồng tới chiếc ghế trong góc phòng để anh ngồi chơi. Chị lủi thủi ra đầu ngõ mua đồ ăn sáng, về nhẹ nhàng bón cho chồng ăn, trước khi dắt chiếc xe máy cũ mèm phóng hơn 6km đến chỗ làm.

12h trưa tan ca, chị lại vội vã đi xe hơn 20 phút về nhà để nấu cơm cho anh. Nếu anh ăn nhanh, chị sẽ có thời gian lót bụng bát cơm. Còn không, chị phải ăn tạm bánh ngọt hoặc nhịn đói, để kịp 13h30 ca làm chiều.

Lúc chị đi làm, anh ở nhà 1 mình, những người hàng xóm bên cạnh lại thay nhau qua hỏi thăm, chăm sóc và cho anh uống nước.

Nói với Vnexpress về người con dâu của mình, bà Bình (mẹ anh Trung) nghẹn ngào: "Vợ chồng nó không con cái nhưng tính đến nay là 10 năm Trang một mình chăm sóc con trai tôi rồi. Tấm lòng của nó rất đáng trân trọng, đáng ghi ơn".

Tình yêu chị dành cho anh nhiều đến mức không thang đo nào đong đếm nổi - Ảnh: Kênh 14

"Nếu không có anh, tôi không sống nổi"

Biết được hoàn cảnh, nhiều người khuyên chị nên "tái giá", tìm cho mình hạnh phúc mới. Chị tận nghĩa với anh 10 năm qua thế là đủ rồi. Nhưng chị chỉ im lặng, với chị bây giờ "nếu không có anh, tôi không sống nổi".

Nhớ lại những ngày còn yêu, anh Trung luôn quan tâm, chăm sóc bạn gái. Đợt chị nằm viện vì mổ ruột thừa, anh chăm lo từng chút một, bưng bô đổ phế thải cho chị. Vì cái nghĩa ấy, nên những đợt Trung sốt, hay lở loét vì nằm nhiều, chị không nề hà thức canh ngày đêm lau rửa, giã thuốc đắp cho anh.

Đến giờ, điều khiến chị khổ tâm nhất là dù bị liệt, không nói được nhưng chồng chị vẫn hiểu hoàn cảnh của mình. "Ở ngoài mọi người nói chuyện về tình trạng của anh, tưởng chồng tôi không hiểu, nhưng trong phòng, nghe được, nước mắt anh cứ chảy dài", chị Trang chia sẻ trên Vnexpress.

Chị không có ước mơ cho riêng mình, vì chị nói cuộc đời chị đến giờ không còn gì phải hối tiếc. Chị có một người chồng luôn bên cạnh nghe chị tâm sự đủ thứ chuyện. Mỗi ngày đi làm về, vẫn được nhìn thấy anh là chị mãn nguyện lắm rồi.

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật