Quyết định trục xuất hơn 120 nhà ngoại giao Nga được các nước Liên minh châu Âu (EU) đưa ra trong bối cảnh quốc tế phẫn nộ với những hình ảnh tàn khốc tại thị trấn Bucha, gần thủ đô Kyiv (Ukraine) giữa lúc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong những hình ảnh mới này, thi thể của hàng chục người dân bình thường đã được trông thấy rải rác trên đường phố.
Trong đó, trao đổi với kênh truyền hình Rai của Ý ở thủ đô Berlin (Đức), Ngoại trưởng Ý Luigi di Miao thông tin: "Chúng tôi đã trục xuất 30 nhà ngoại giao Nga vì lý do an ninh quốc gia".
Trước đó, ngày 4/4, Pháp cũng đã đưa ra những động thái tương tự khi quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao và Đức cũng yêu cầu 40 nhà ngoại giao Nga trở về nước.
Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Lithuania nói rằng họ sẽ trục xuất đại sứ Nga để đáp trả "hành động quân sự của Moscow" và "vụ thảm sát kinh hoàng ở Bucha".
Ngoài Ý, Bộ Ngoại giao Thụy Điển ngày 5/4 cũng thông báo họ sẽ trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga, những người mà họ cho là đã tiến hành "các hoạt động bất hợp pháp". Còn Đan Mạch cũng đã trục xuất 15 "sĩ quan tình báo" Nga bị cáo buộc làm gián điệp.
Các nhà chức trách Nga đã bác bỏ cáo buộc về các vụ tấn công nhằm vào dân thường ở Bucha và các địa điểm khác gần thủ đô Kyiv, trong khi Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố các vụ giết người do Ukraine dàn dựng.
Theo thống kê của AFP, các nước EU đã trục xuất hơn 230 nhà ngoại giao Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2 vừa qua.
Ngày 29/3, Nga cho biết họ đã trục xuất 10 nhà ngoại giao từ Latvia, Lithuania và Estonia trong một động thái đáp trả các nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Alexander Grushko, hôm 5/4 nhận xét "rõ ràng đây là một chiến lược được phối hợp trước" và Moscow "tất nhiên sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa".
Ông nói: "Đây là một đòn giáng mạnh vào quan hệ song phương, đối với các kênh thảo luận ngoại giao".
Đồng thời, ông cảnh báo hậu quả của các động thái này sẽ kéo dài.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)