Năm 2019 tỉnh Bắc Ninh với quyết tâm chính trị rất cao phấn đấu tạo môi trường sống trong lành cho nhân dân với chủ đề: “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”. Thị xã Từ Sơn, vùng kinh tế năng động của tỉnh Bắc Ninh, nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp phát triển mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời. Thị xã Từ Sơn cũng nhanh chóng xây dựng, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách quyết tâm hành động vì môi trường sạch, hướng đến sự phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững.
UBND thị xã Từ Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể, giao các phòng, ban, các xã, phường tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây cũng là địa phương có nhu cầu lớn cần xây dựng, đầu tư nâng cấp lò đốt rác thải ở khu dân cư tập trung để giải quyết vấn đề môi trường. Cụ thể thị xã đã tiến hành khảo sát 12 địa điểm ở 11 xã, phường để xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phục vụ việc xử lý rác thải cho từng địa phương. Hiện tại đã có 6 xã, phường chọn được địa điểm và đang đầu tư xây dựng lò đốt rác.
Diện mạo đô thị Từ Sơn xanh, sạch, đẹp |
Từ Sơn đã thực hiện có hiệu quả việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thành lập các Tổ thu gom rác thải tự quản ở các thôn, làng, khu phố, thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày, không để rác thải ứ đọng. Hiện tại Từ Sơn có 6 lò đốt rác đang hoạt động, hàng ngày xử lý được 84 tấn rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt và chôn lấp hợp vệ sinh. Thị xã lắp đặt thí điểm hệ thống hút khí bụi ở Cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê và đang thực hiện lắp đặt thêm tại các khu, cụm công nghiệp khác để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường về khí bụi. Đến nay, 12/12 xã, phường đã xây dựng được điểm tập kết rác thải; đưa vào vận hành lò đốt rác quy mô nhỏ và vừa tại các phường: Đình Bảng, Châu Khê, Đồng Nguyên và xã Phù Khê. Đồng thời, đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải tại phường Châu Khê công suất 33.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho khu vực nội thị và một số xã, phường lân cận.
Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn |
Phòng TNMT tham mưu cho các cấp lãnh đạo thị xã Từ Sơn xây dựng Đề án kiểm tra đánh giá hiện trạng môi trường trên địa bàn toàn thị xã, từ đó đề ra chương trình hành động cụ thể ở từng địa phương, khu, cụm công nghiệp và làng nghề, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác bảo vệ môi trường chung. Hiện tại, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thị xã Từ Sơn phát sinh khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt, được xử lý bằng các lò đốt rác cỡ nhỏ, bước đầu phát huy hiệu quả.
Nhà máy xử lý nước thải cũng đang hoạt động tích cực, phục vụ cho khu vực nội thị thị xã Từ Sơn. Dự án được đầu tư tổng thể gồm hệ thống thu gom khoảng 40km, hơn 1.000 giếng tách và Nhà máy xử lý nước thải, công suất tối đa 33.000 m3/ngày, đêm giai đoạn I, 70.000 m3/ngày đêm giai đoạn II, bảo đảm liên thông, phân bổ việc thu gom hợp lý theo nguyên tắc ưu tiên các điểm ô nhiễm và nhu cầu thoát nước. Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý hiện đại, giảm thiểu tối đa, không phát sinh ra môi trường các chất ô nhiễm thứ cấp (khí, mùi, ồn...).
Tuy nhiên, bên cạnh đó hiện trạng môi trường ở Từ Sơn vẫn còn nhiều bức xúc, rác thải tồn ứ chưa được giải quyết dứt điểm ở nhiều nơi như tại phường Châu Khê, phường Đình Bảng, xã Phù Chẩn... Tiến độ triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở một số địa phương còn chậm, nhiều điểm tập kết rác quá tải, tràn xuống các kênh mương, đường giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.
Tại địa bàn Xã Phù Khê, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được lãnh đạo xã quan tâm sát sao. Phù Khê gồm 4 thôn: Đông, Thượng, Tiến Bào và Nghĩa Lập, năm 2017 xã Phù Khê được đầu tư xây dựng một lò đốt rác thải sinh hoạt trên diện tích 900m2, có công suất 12 tấn/ngày do Công ty xử lý môi trường Từ Sơn đầu tư gần 5 tỷ đồng đi vào hoạt động. Từ khi đi vào vận hành đến nay lò đốt đã xử lý hàng nghìn tấn rác tại địa phương. Lò đốt rác của xã Phù Khê đang hoạt động tại điểm tập kết, trung chuyển rác thải của 3 thôn với công suất đạt 750kg/giờ .
Diện mạo nông thôn mới ở xã Phù Khê |
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết: “ Xã đã chỉ đạo người dân tổ chức dọn rác ở các bãi rác trung chuyển, dọn rác thường xuyên ở các thôn và một số nơi công cộng đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và tạo môi trường trong sạch cho người dân, phối hợp với phòng kinh tế thị xã tuyên truyền tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường cùng một số hoạt động thiết thực khác theo đúng tinh thần thực hiện chủ đề năm 2019 Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”.
Hiện nay trên địa bàn xã Phù Khê còn có khu chợ buôn bán gỗ lớn nhất miền Bắc với hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể, thu hút hàng nghìn lao động, cả 4 thôn đều là làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sản xuất nhỏ lẻ, mang tính chất theo hộ gia đình. Do vậy, vừa sinh hoạt, sản xuất tại chỗ, không có vị trí tách rời sinh hoạt và sản xuất, gỗ có nhiều bụi và rác thải, việc đó ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của cộng đồng. Bình quân mỗi ngày toàn xã phát sinh trên dưới 20 tấn rác thải sinh hoạt.
Lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Phù Khê |
Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương cũng như sự tự ý thức của người dân, Phù Khê không còn cảnh rác thải sinh hoạt và rác thải từ gỗ vứt tràn lan mà được gom gọn để bán cho các đơn vị khác nhằm tái sử dụng hoặc đốt lò hơi. Theo những người dân trong làng nghề, việc này vừa bảo đảm vệ sinh môi trường vừa tận dụng để tăng thêm thu nhập. Thực tế ở Phù Khê chưa có biện pháp mạnh vì công nghệ hút bụi đầu tư quá lớn, trong khi hộ sản xuất gia đình nhỏ lẻ, vốn đầu tư có hạn hẹp, không thể có biện pháp mạnh để xử lý, việc tuyên truyền cho người dân không để ảnh hưởng đến môi trường, quá trình sản xuất sao cho hạn chế bụi của đồ gỗ là rất cần thiết. Nghề chạm khắc gỗ Phù Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào đầu năm 2016. Cùng với tinh hoa văn hóa, giá trị kinh tế mà làng nghề mang lại, các cấp chính quyền cần sớm có những giải pháp triệt để để bảo vệ môi trường làng nghề.
Môi trường là vấn đề cấp thiết đối với Đảng bộ và chính quyền nhân dân nơi đây nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy, Từ Sơn cần có kế hoạch phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra định kỳ các nguồn phát thải gây ô nhiễm. Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, thị xã Từ Sơn đã và đang cùng các địa phương cấp cơ sở tích cực cải thiện môi trường sống, vì chất lượng sống của người dân ngày một tốt hơn với các tiêu chí để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Hoài Thu