Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cả nước giảm 86.300 biên chế

(DS&PL) -

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, các cơ quan đã giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức.

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, các cơ quan đã giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Giảm 86.300 biên chế

Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 17/10, báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được tất cả các Đoàn ĐBQH đánh giá cao, có sự chuyển biến rõ rệt cả về chất lượng và thời hạn giải quyết.

Sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần tích cực vào kết quả chung của tăng trưởng kinh tế thời gian qua, được cử tri ghi nhận.

Một trong những kết quả nổi bật là việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến tinh giản bộ máy hành chính, giảm biên chế. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; tập trung kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, giảm số lượng lớn vụ, cục, phòng, đầu mối trung gian; đã giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phân định rõ trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ; phân cấp, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực được phân công. Thực hiện phân công rõ ràng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện và các cơ quan khác phối hợp như: phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giao Bộ LĐTB&XH chủ trì; chức năng quản lý về phân bón, giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì; thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,...

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo nhiều bộ, ngành khẩn trương sắp xếp lại bộ máy, giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục.

Đặc biệt, Bộ Công an đã bỏ 06 Tổng cục, sáp nhập, giảm từ 125 đơn vị cấp Cục xuống còn 60, giảm 20 Sở Cảnh sát PCCC.

Bộ Công thương đã cắt giảm 05 đầu mối, từ 35 vụ, cục và tương đương xuống còn 30 đầu mối (26 đơn vị hành chính và 04 đơn vị sự nghiệp; cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng trực thuộc cấp cục).

Bộ Tài chính đã quyết định giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và sẽ giảm 50% tổng số các Chi cục thuế hiện có; tỉnh Hà Giang sáp nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng; Thanh tra và Ủy ban kiểm tra; Sở Nội vụ với Ban tổ chức tỉnh ủy...

Bên cạnh đó việc giải quyết kiến nghị của cử tri về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước đã có chuyển biến tích cực. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% của 5.623 điều kiện kinh doanh và 60% của 9.926 thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỷ đồng...

Trả lời cử tri còn chưa rõ, thiếu thống nhất

Bên cạnh những kết quả nổi bật, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, như một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn rất chung chung, chưa rõ, thiếu thống nhất nên gặp khó khăn khi thực hiện.

Với cùng một vấn đề mà cử tri nêu liên quan đến giải quyết tranh chấp địa giới hành chính (giữa Yên Bái và Sơn La; giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi; giữa Cao Bằng với các tỉnh lân cận), các văn bản trả lời của Bộ Nội vụ có nội dung rất khác nhau. Cụ thể, với cùng một nội dung liên quan đến việc hướng dẫn về việc xử lý kỷ luật cán bộ thuộc chức danh do HĐND bầu, trả lời cho cử tri Nam Định tại kỳ họp thứ 5, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Công văn số 5228/BNV-CQĐP ngày 05/12/2014 của Bộ. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 4, trả lời cho cử tri Sóc Trăng cũng về nội dung này, Bộ Nội vụ lại nêu: “Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tích cực phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để nghiên cứu trình Bộ Chính trị sớm ban hành các quy định này để có đủ căn cứ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kỷ luật đối với cán bộ”.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, việc trả lời của Bộ Nội vụ về vấn đề giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm chưa có sự nhất quán, khó khăn cho các đại biểu Quốc hội trong việc trả lời cử tri và khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thực hiện.

Việc Bộ Nội vụ hướng dẫn cử tri Nam Định áp dụng Công văn số 5228/BNV-CQĐP (nội dung công văn này chỉ quy định việc xử lý kỷ luật đối với riêng đối tượng là cán bộ cấp xã) để xử lý kỷ luật chung cho tất cả cán bộ có chức danh thông qua bầu cử HĐND các cấp là chưa đúng đối tượng trong câu hỏi của cử tri.

Bên cạnh đó, một số văn bản đã được trả lời là tiếp thu và sẽ xem xét để giải quyết, tuy nhiên thời gian đã quá lâu mà vẫn chưa có kết quả như cử tri Bình Dương kiến nghị với Thanh tra Chính phủ từ trước kỳ họp thứ 4 (tháng 9/2017) về việc công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, vì cử tri cho rằng thời gian thanh tra đã lâu mà chưa công bố công khai kết luận là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra.

Đáng chú ý, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh, với một số vấn đề mà cử tri nêu, các bộ, ngành cần phải tổ chức để giải quyết ngay (như tổ chức thanh tra, kiểm tra, hoặc nghiên cứu để sửa đổi các văn bản pháp luật), tuy nhiên nhưng để tránh việc “tồn đọng” nhiều cơ quan lại chuyển câu hỏi mà cử tri nêu từ cần phải giải quyết sang dạng trả lời, cung cấp thông tin tới cử tri, “sẽ tiếp tục nghiên cứu, sớm giải quyết....”. Điều này, dẫn tới 79,79% các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 được các cơ quan trả lời ở dạng cung cấp thông tin, hoặc trích dẫn các quy định đã có sẵn của pháp luật; chỉ có 5,14% kiến nghị được tiếp thu để giải quyết chiếm tỷ lệ rất thấp.

Việc giải quyết cũng chủ yếu thông qua công tác ban hành, sửa đổi một số văn bản, trong khi đó nhiều vấn đề nóng, bất cập gây bức xúc, liên quan đến một số vụ việc cụ thể mà cử tri nêu còn chưa được quan tâm giải quyết, chưa đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri, gây mất thời gian tiếp xúc cử tri của ĐBQH, thời gian chờ đợi của cử tri, như phản ánh của cử tri Bình Định về tình trạng hướng dẫn viên du lịch chưa đạt chuẩn, phát ngôn sai về lịch sử Việt Nam, gây bức xúc.

Vẫn theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc cải cách các thủ tục hành chính, được cử tri đánh giá rất cao đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, nhiều bộ ngành đã cắt giảm rất nhiều điều kiện, thủ tục kinh doanh...Việc cải cách các thủ tục hành chính đã có tác dụng tích cực giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn trong kinh doanh sản xuất.

Tuy nhiên, trong một số ít lĩnh vực gánh nặng thực thi thủ tục hành chính trong vẫn còn chưa được cải thiện nhiều, như trong lĩnh vực xây dựng, theo số liệu được công bố tại Hội nghị báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 ngày 17/8/2018 tại Hà Nội (APCI) cho thấy, để hoàn tất một thủ tục xây dựng, doanh nghiệp phải bỏ ra trung bình là 64,1 triệu đồng và 108,9 giờ, gấp hơn 800 lần so với chi phí tuân thủ trung bình của thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế.

Nguồn: ĐCSVN

Tin nổi bật