(ĐSPL) - Theo quy định mới, bệnh nhân (BN) có thể được chuyển thẳng lên tuyến trên để điều trị khi các bệnh viện (BV) tuyến dưới (tuyến huyện, tỉnh) không điều trị được.
Quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi cho (BN), nhưng lại “dị ứng” với BV vì nỗi lo BN vượt tuyến nhiều, BV tuyến dưới có nguy cơ bị thâm hụt quỹ. Và, để giải quyết vấn đề này, không ít BV đã tìm mọi cách “kìm chân”, gây khó dễ cho người bệnh, không đồng ý cho chuyển viện, đẩy tình trạng người bệnh rơi vào nguy kịch.
Bục dạ dày vẫn không cho chuyển viện?
Mới đây PV nhận được phản ánh từ người nhà BN ở phường Minh Khai, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên về việc BV Đa khoa Hưng Hà (địa chỉ đường Sơn Nam, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên) không cho BN chuyển viện khi người bệnh có những diễn biến xấu về bệnh từ khi nhập viện.
Phải đặt tính mạng người bệnh lên trên hết (ảnh minh họa). |
|
Cụ thể, sáng 04/02/2015, BN Nguyễn Thanh H. (SN 1975) ở phường Minh Khai bị đau bụng dữ dội, người nhà đã nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa Hưng Hà. Cũng theo phản ánh của người nhà anh H., BN có thẻ bảo hiểm y tế, dù đã đóng đầy đủ các khoản phí KCB ban đầu, chiếu chụp... song các bác sỹ không phát hiện ra bệnh gì mà chỉ nhìn phim chụp, rồi nói "có lẽ đau đại tràng”. Mỗi lần BN lên cơn đau, bác sỹ chỉ tiêm giảm đau.
Gia đình hỏi, bác sỹ trả lời, chưa chẩn đoán được bệnh. Gia đình nhận thấy tình trạng sức khỏe của anh H. mỗi ngày một yếu, nên sáng 5/2, gặp bác sỹ để xin chuyển viện lên tuyến trên là BV 108 nhưng theo người nhà anh H., bác sỹ gây khó dễ, không cho chuyển và nói rằng, BN bình thường, sao lại chuyển viện? Đại diện gia đình anh H. hỏi bác sỹ, anh H. mắc bệnh gì, bác sỹ trả lời, có lẽ bị viêm đại tràng.
Khi gia đình một mực đòi chuyển viện, BV Hưng Hà viết trong giấy chuyển viện là "BN không đủ điều kiện chuyển tuyến (vượt tuyến); Dấu hiệu lâm sàng: Đau mạn sườn phải; Chẩn đoán: Sỏi thận phải; Phương pháp thủ thuật: Cho dùng kháng sinh và giảm đau”. Đúng 10h30’, gia đình chuyển người thân lên BV 108, đến nơi, khoa Cấp cứu của BV 108 quyết định mổ cấp cứu gấp vì bị bục dạ dày, dịch tràn quá nhiều, sức khỏe BN yếu...
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, PV đã trực tiếp liên hệ với BV Đa khoa Hưng Hà. Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp tên Đức của BV xác nhận, BV có tiếp nhận BN Nguyễn Thanh H.. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi, lý do BV không cho BN chuyển tuyến khi tiên liệu diễn biến tình trạng BN xấu, ông Đức cho biết: “Trường hợp BN H. được các bác sỹ của viện chẩn đoán là phức tạp... Việc người nhà tự ý đưa BN lên BV 108 là vượt tuyến không đúng quy định”.
Một trường hợp khác, cũng buộc phải chấp nhận điều trị ở tuyến dưới khi BV cương quyết không chuyển BHYT khi BN có ý định chuyển lên tuyến trên để điều trị. Bà Nguyễn Thị Ng., trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội cho biết: Bà đóng và đăng ký KCB thường xuyên tại một BV tuyến dưới. Tháng 12/2014, bà đến KCB và được chẩn đoán bị ung thư đại tràng phải phẫu thuật và điều trị hóa chất tại BV. Mong muốn của bà được chuyển lên điều trị tại BV chuyên khoa ung bướu tuyến Trung ương. Thế nhưng, lãnh đạo BV này không chấp nhận.
Theo lời giải thích từ phía BV, BV có khoa ung bướu và tình trạng của BN, BV hoàn toàn có khả năng điều trị, nên BN không cần phải chuyển tuyến. Nếu gia đình nhất quyết chuyển thì BV cũng sẽ không chuyển BHYT cho người bệnh. Do chi phí điều trị ung thư rất cao, nếu không được chi trả BHYT thì gia đình bà Ng. không đủ điều kiện kinh tế điều trị buộc bà Ng. phải ở lại BV để điều trị.
Uy hiếp tính mạng người bệnh vì một tờ giấy?
Ghi nhận của PV hiện nay, tại một số BV, vẫn tồn tại thực trạng, mỗi khi phải đi KCB, người dân đều chọn cho mình một con đường nhanh nhất, đó là đến thẳng các BV tuyến cuối tại các thành phố lớn. Lý do, họ lo ngại về trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở.
Phía BV, vì nhiều lý do, trong đó có lý do thâm hụt quỹ, nên cố níu kéo người bệnh ở lại. Và, đây chính là vấn đề khiến không ít BN phải bỏ mạng vì sự nhùng nhằng, nhiêu khê trong việc xin giấy chuyển viện. Theo tìm hiểu, BHXH sẽ phân bổ cho mỗi BV số tiền tương ứng với số thẻ BHYT.
Khi BN điều trị ngoại tuyến, BV (nơi BN đăng ký KCB ban đầu) sẽ phải chuyển tiền mà BN được thanh toán bảo hiểm từ quỹ của BV lên các BV tuyến trên mà BN đó điều trị. Điều này đã khiến cho các BV tuyến dưới bị hụt quỹ và không có thu nhập tăng thêm.
Trước thực trạng có nhiều bất cập trong việc chuyển tuyến cho người bệnh, theo Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015 có 47 nhóm bệnh người bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến một lần, sau đó tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ và được BHYT chi trả theo quy định. Tuy nhiên, việc đưa luật vào thực tế vẫn gặp không ít khó khăn, cả BN và BV đều tỏ ra lúng túng khi triển khai.
Liên quan đến vấn đề này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng vụ Bảo hiểm Y tế (bộ Y tế) cho biết: “Theo Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015, BN khám vượt tuyến ngoại trú sẽ không được quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, với 47 nhóm bệnh gồm các bệnh lao (các loại); phong; HIV/AIDS; di chứng viêm não; ung thư; đái tháo đường; suy tuyến giáp; tim (có can thiệp, sau phẫu thuật van tim, đặt máy tạo nhịp)...
Bà Hương cho biết thêm, với trường hợp khi khám ngoại trú là vượt tuyến nhưng sau đó lại được BV nơi vượt tuyến chuyển lên tuyến trên thì giai đoạn này sẽ được coi là chuyển tuyến đúng quy định và được quỹ BHYT chi trả.
Ví dụ, một người bệnh ốm, mệt khi đi khám tại BV tỉnh (bỏ qua nơi đăng ký KCB ban đầu), giai đoạn khám này người bệnh không được thanh toán vì khám vượt tuyến. Nhưng tại đây, sau khi khám bệnh, phát hiện người bệnh mắc bệnh quá khả năng chữa trị của tuyến tỉnh, tuyến tỉnh chuyển lên Trung ương thì khi khám tại BV Trung ương người bệnh được BHYT chi trả theo khám đúng tuyến, từ 80 - 100\%.
Những cái chết đau lòng Chiều 19/10/2014, cháu Nh. (11 tuổi, ở xóm 10, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội), được người nhà đưa vào BV Đa khoa Quốc Oai, Hà Nội cấp cứu trong tình trạng ho nhiều, khó thở. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu Nh. bị rối loạn tiêu hóa. Sau gần hai ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của cháu Nh. không tiến triển nên người nhà xin chuyển viện lên tuyến trên. Mặc dù cháu bé nôn thốc nôn tháo, nhiều lúc rơi vào tình trạng hôn mê, nhưng các bác sỹ vẫn cương quyết giữ lại. Đến khoảng 4h20’ ngày 21/10, người nhà phát hiện toàn thân cháu Nh. tê lạnh, cứng ngắc nên đã gọi bác sỹ đến thăm khám, nhưng cháu Nh. đã tử vong. Người thân của cháu Nh. khẳng định: BV đã cố tình không cho chuyển viện dẫn đến cái chết của cháu Nh.... Tại bản tường trình, điều dưỡng Nguyễn Phú Trung trình bày: “Ngày 20/10, tôi có tham gia ca trực từ 16h30’ đến 19h cùng ngày. Lúc này người nhà bệnh nhân Nh. có đề nghị xem xét chuyển viện vì sức khỏe cháu bé không tiến triển, nhưng tôi đã giải thích với gia đình rằng để theo dõi thêm. Tôi đã sai vì đã không báo cáo bác sỹ trực về việc người nhà đề xuất chuyển viện...”. BN Nh. tử vong do xuất huyết màng não thể tối cấp và có triệu chứng của bệnh tim. Ngày 22/10/2014, bé Nguyễn Huy H. (hẻm 561, Quốc lộ 1A, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) làm thủ tục nhập viện tại bệnh viện Q.Thủ Đức và được chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ ba. Tuy nhiên trong quá trình điều trị không đỡ, gia đình bé H. xin chuyển viện thì bác sỹ khẳng định giữ lại vì bệnh viện điều trị được. Cuối cùng, bé tử vong trên đường chuyển viện lên BV Nhi Đồng 2 do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết và ngưng tim. Ngay sau khi bé H. tử vong, Hội đồng chuyên môn của BV đã họp và cho hay, bác sỹ điều trị chưa có kinh nghiệm trong việc đánh giá, tiên lượng và theo dõi diễn biến nhanh của bệnh. Trước đó, ngày 21/10/2013, chị Lê Thị Hoa (30 tuổi) đau đầu, sốt cao vào bệnh viện TP.Huế cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán chị Hoa bị sốt xuất huyết nên tiến hành điều trị. Liên tiếp hai ngày 24-25/10, thấy bụng chị Hoa phình to, tình trạng nguy kịch hơn, gia đình tha thiết xin chuyển viện, nhưng vẫn bị bác sỹ từ chối. Mãi đến sáng 25/10, sau khi siêu âm, thấy tính mạng của chị Hoa nguy kịch, bệnh viện TP.Huế mới cho người nhà chuyển bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế. Tuy nhiên, chiều 31/10, chị Hoa đã tử vong. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai: “Dù bỏ quy định chi trả 30\%-50\% đối với BN khám vượt tuyến tỉnh và Trung ương nhưng người bệnh điều trị nội trú sẽ được thanh toán ở mức 40\% chi phí (tuyến Trung ương) và 60\% (tuyến tỉnh). Đây là những đối tượng thực sự cần hỗ trợ của quỹ BHYT bởi có những loại bệnh chi phí điều trị nội trú rất lớn. Tại BV Bạch Mai, số người có thẻ BHYT vượt tuyến điều trị nội trú thường chiếm khoảng 30\% tổng số BN”. |
NHÓM PV
Xem thêm clip: Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ Viện nhi Trung ương