Dù cha đã “đi xa” mấy chục năm, nhưng những hình ảnh, kỷ niệm gắn với những ngày đầu tiên vừa giải phóng Thủ đô vẫn in đậm trong ông Thắng... Đó là hình ảnh người cha lúc nào cũng bộn bề công việc với một Hà Nội vừa được hồi sinh.
Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. |
Chủ tịch không cần... thư ký riêng
Trong căn nhà trên đường âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội, ông Trần Chiến Thắng, con trai út của bác sỹ Trần Duy Hưng, người Chủ tịch đầu tiên của TP.Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô – 10/10/1954, đã kể cho chúng tôi nghe về người cha của mình với những kỷ niệm đẹp. ông Thắng cho biết, gia đình ông vừa trở về từ nhà lưu niệm bác sỹ Trần Duy Hưng ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm để thắp hương cho cha mình và dọn dẹp lại từ đường. Trong những ngày thu này, khi không khí kỷ niệm 60 ngày Giải phóng Thủ đô rộn ràng khắp Hà Nội, nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã liên lạc với gia đình, để đến thăm nhà tưởng niệm của gia đình ông.
Ông Trần Chiến Thắng kể lại: “Cha tôi sinh năm 1912 tại xã Xuân Phương, Từ Liêm (nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), Hà Nội. Năm 30 tuổi, ông trở thành bác sỹ rồi cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh cứu người. Nổi tiếng về chuyên môn nhưng điều ông được đồng nghiệp và nhiều người dân Hà Nội thời đó yêu quý bởi sự đức độ, tấm lòng bao dung, nhân hậu của người thầy thuốc, sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo. Tại cơ sở chữa bệnh của mình, cha tôi đã cứu giúp và chở che những cán bộ Việt Minh giữa vòng vây bố ráp của kẻ thù. Lòng yêu nước của cha tôi ngày càng sâu sắc rồi biến thành hành động khi ông tự nguyện làm cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng tháng Tám năm 1945”.
Theo ông Thắng, sau lễ Quốc khánh ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã tìm đến nhà và đề nghị bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch TP. Hà Nội khi ông mới 33 tuổi. ông Thắng kể: “Lúc đó cha tôi quá bất ngờ trước vinh dự và trọng trách lớn lao nên xúc động đáp: “Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...”. Nghe vậy, Bác Hồ đã động viên: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen. Điều quan trọng nhất là mang lại nhiều lợi ích cho người dân”. Chính vì lời động viên của Bác Hồ mà cha tôi đã nhận trọng trách làm người đứng đầu một Thủ đô non trẻ, đầy chông gai và khó khăn. Đến năm 1954, ông còn là Thứ trưởng bộ Y tế. Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban Quân chính Hà Nội, dẫn đầu đoàn quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch ủy ban hành chính Thủ đô Hà Nội (sau đó là UBND TP) cho đến năm 1977”.
Ông Trần Chiến Thắng, con trai út bác sỹ Trần Duy Hưng. |
Ông Trần Chiến Thắng chia sẻ thêm: “Cha tôi từng có thời gian ở trong quân ngũ, trải qua những năm tháng chiến tranh nên ông hiểu giá trị của công dân một nước tự do quý giá đến nhường nào. Trong ký ức của chúng tôi, ông là một người cha đạo đức, yêu quý dân. Bản thân cha tôi là một bác sỹ nên ông yêu dân như trách nhiệm của một người thầy thuốc, lo cho dân từng chút. Đối với các giai tầng trong xã hội, cha tôi đều đối xử công bằng với họ, không có sự phân biệt đối xử.
Tôi được nghe kể lại rằng, người dân Hà Nội khi đó đến làm việc với cha tôi rất dễ, chỉ cần nhìn thấy ông ở sân ủy ban là có thể đưa đơn từ, trình báo. Sau đó ông ghi địa chỉ và đích thân giải quyết vụ việc mà không cần đến cấp dưới. Điều đặc biệt là cha tôi có cách làm việc rất khoa học và tự lập. Hầu hết, những cán bộ cấp cao đều có thư ký riêng để lo việc văn bản, giấy tờ nhưng cha tôi thì không. ông không dùng thư ký, mọi văn bản giấy tờ đều do ông tự viết. Văn phòng ủy ban thành phố có giấy tờ gì quan trọng thì đưa cho ông, sau đó, ông một mình làm việc, nếu chưa xong lại mang về nhà làm tiếp. Tất cả những bài diễn văn như tiếp khách nước ngoài, đọc trước Chính phủ, Quốc hội đều do cha tôi tự viết. Viết xong, ông tự đọc, tự sửa tại nhà cẩn thận...”.
Vị Chủ tịch thành phố đạp xe đi làm
Ông Trần Chiến Thắng nhớ lại, trong thời khắc lịch sử của trận 12 ngày đêm năm 1972, khi đế quốc Mỹ ném bom Hà Nội bằng máy bay B52 thì cha ông, Chủ tịch thành phố đã lao vào khói bom cùng tham gia cứu dân, dập lửa và sơ cứu cho nhiều người bị thương. ông Thắng cũng cho hay, khi đó, một người bạn của gia đình đã kể lại rằng, Mỹ ném bom lạc trúng vào một góc tòa Đại sứ quán Pháp. Lúc vừa dứt tiếng máy bay đã thấy bác sỹ Trần Duy Hưng có mặt thăm hỏi, chia sẻ với cơ quan sứ quán, trong khi các quan chức trong sứ quán còn ở dưới hầm trú ẩn. Đây là một thông điệp ngoại giao lịch thiệp mà không bằng lời, nhưng rất có ý nghĩa của vị Chủ tịch thành phố. Sau này, khi các con ông lớn lên, những bài học ấy đã hình thành nên nhân cách của đại gia đình bác sỹ Trần Duy Hưng.
Dưới thời bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Hà Nội từng có nhiều chính sách mạnh mẽ để đạt nhiều thành tựu lớn: Năng suất lúa cao nhất miền Bắc, hoạt động công - thương nghiệp đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra cả nước. Ngày đó, khu tập thể cao tầng đầu tiên được xây dựng ở phố Kim Liên (Đống Đa). Đó là khu tập thể phòng nhỏ, mọi thứ như bếp, nhà vệ sinh đều được sử dụng chung, khá bất tiện. Rút kinh nghiệm này, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Duy Hưng cho xây dựng thêm những khu nhà tập thể hai tầng, nhưng lúc này là nhà nhỏ khép kín. Ngay từ những năm 1960, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho cán bộ, công chức, được sự nhất trí của Thành ủy, TP. Hà Nội đã triển khai việc bán căn hộ theo cách trả dần, một mặt để có thêm ngân sách, còn các gia đình có điều kiện để sửa sang nhà cửa đẹp hơn.
Tuy công việc bận rộn, nhưng bác sỹ Trần Duy Hưng vẫn luôn dành cho gia đình sự quan tâm, trìu mến. ông có 7 người con, trong đó có 1 con gái, 6 con trai. ông Trần Chiến Thắng cho biết: “Hồi đó, gia đình tôi sống tại 11 Lê Phụng Hiểu. Tuy gia đình đông người nhưng các thành viên đều giữ được “nếp nhà”, vẫn tôn trọng và yêu thương nhau. Không chỉ có con cháu thừa hưởng nhân cách sống và văn hóa của cha, ông mà những người giúp việc cũng ở với gia đình đến giây phút cuối cùng và có cách ứng xử rất đẹp. Bố tôi có lối sống giản dị, ông thường xuyên đạp xe đi làm. Gia đình ba thế hệ sống với nhau, nhưng không ai có ý định chuyển ra ngoài sinh sống vì cha tôi muốn quây quần bên con cháu. Cách dạy con cháu của cha tôi cũng rất đặc biệt: ông không bao giờ nói to hay mắng mỏ mọi người mà rất hòa nhã, ân cần. Những kỷ niệm và ký ức ấy sẽ mãi là món quà tinh thần mà chúng tôi – những người con của bác sỹ, Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng không bao giờ quên...”.
Chúng tôi tự hào với nhân cách của cha Bà Phạm Thị Bích Hằng, vợ ông Trần Chiến Thắng cho biết: “Tôi là dâu út của cụ Trần Duy Hưng. Về làm dâu của gia đình, tôi cảm thấy rất may mắn. Tôi rất yêu quý và coi cụ như bố đẻ của mình. Trong gia đình, cụ là người cha yêu thương con cháu, tôn trọng vợ. Thường thì cụ hay được mời ăn tiệc chiêu đãi, nhưng hầu như lần nào cụ về nhà cũng không quên mang quà về cho vợ, khi thì chút bia, hoặc rượu vang... Sáng sáng, cha tôi còn tự tay pha cà phê, nước đầu tiên cụ pha và mang vào tận giường cho mẹ tôi. Bố chồng tôi là một người rất giản dị và văn hóa, hễ đi đâu về, hay có việc ra ngoài mà gặp các con cháu, cụ đều hỏi han và “chào” con. Có khi cụ đi từ cầu thang xuống mà gặp các con, cụ đều chào “Bố chào con”, hay trước khi đến ủy ban, ông đều nói: “Chào con, bố đi làm đây! Chúng tôi tự hào vì nhân cách của cha”. |