Theo số liệu công bố, gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cùng các thể nhân, pháp nhân liên quan sở hữu gần 60% cổ phần Bóng đèn Điện Quang.
Tháng 9/2014, tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái sạch 3,9 triệu cổ phần, tương đương 17,74% vốn điều lệ CTCP Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC) dưới hình thức thỏa thuận.
Chi tiết người mua không được công bố. Tuy nhiên báo cáo quản trị năm 2014 cho thấy vào ngày giao dịch thành công 15/9/2014, hai cá nhân Hồ Đức Dũng và Trần Thị Lĩnh đã mua vào 2,85 triệu cổ phiếu DQC. Có nghĩa rằng những cái tên này đã mua vào phần lớn số cổ phần bán ra bởi SCIC.
Ông Hồ Đức Dũng, sinh năm 1986, là con trai ông Hồ Đức Lam, em ruột Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Cháu trai bà Thoa hiện giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Nhựa Rạng Đông, nơi cha ông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Trong khi đó, bà Trần Thị Lĩnh cũng là Thành viên HĐQT của Nhựa Rạng Đông, đồng thời là nhân viên phòng xuất nhập khẩu của Bóng đèn Điện Quang. Đây chỉ là một trong nhiều thương vụ nhằm thâu tóm Bóng đèn Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Bà Hồ Thị Kim Thoa sinh năm 1960 tại Nghệ An, là một trong những người có thời gian gắn bó lâu nhất với Bóng đèn Điện Quang.
Trong gần hai thập kỷ, từ năm 1992-2010, bà Thoa lần lượt đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt, từ Trưởng phòng Kế hoạch vật tư, Giám đốc Điều hành kinh doanh, Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc kể từ khi DQC được cổ phần hóa vào năm 2005. Với tầm ảnh hưởng gần như tuyệt đối, việc bà Kim Thoa cùng các thành viên gia đình dễ dàng thâu tóm cổ phần doanh nghiệp này không phải là điều bất ngờ.
|
Theo Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa tháng 11/2004 của bộ Công nghiệp, vốn điều lệ của Bóng đèn Điện Quang được xác định là 23,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước giữ 51% và bán cho người lao động trong công ty 49%. Tuy nhiên cổ phần DQC sau đó nhanh chóng được chuyển nhượng cho các cổ đông bên ngoài. Tới cuối năm 2007, vốn Nhà nước tại đây chỉ còn 20,8%, cổ đông bên ngoài nắm giữ tới 60,7%.
Bản thân bà Kim Thoa, khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, cùng người thân trong gia đình là mẹ ruột, con gái và em trai sở hữu 2,1 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 13,5% vốn điều lệ. Con số này nhanh chóng tăng lên 30,4% vào cuối năm 2013. Nếu tính cả pháp nhân liên quan là CTCP Đầu tư và Thương mại Điện Quang (Em trai và mẹ bà Kim Thoa chiếm 36% cổ phần) thì là 34,4%. Năm 2014, với việc thâu tóm phần lớn cổ phần thoái bởi SCIC từ hai cá nhân Hồ Đức Dũng và Trần Thị Lĩnh (đã nêu trên), tỷ lệ sở hữu của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa cùng các cá nhân, pháp nhân liên quan tăng mạnh lên 54%.
Sau đợt mua vào ồ ạt của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hồ Quỳnh Hưng trong năm 2015, tỷ lệ này tiếp tục được nâng lên thành 58,4% và ổn định cho tới nay. Cùng với việc sở hữu tỷ lệ chi phối DQC, người nhà bà Hồ Thị Kim Thoa cũng đồng thời nắm giữ những chức vụ quan trọng tại đây. Hiện nay, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ DQC ông Hồ Quỳnh Hưng chính là em trai bà Thoa và kế thừa chiếc ghế của chị ruột từ năm 2010, thời điểm bà Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bộ Công Thương. Ngoài ra, hai người con gái là Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê lần lượt giữ chức Thành viên HĐQT và Giám đốc Ban dự án của Bóng đèn Điện Quang.
Kết quả kinh doanh của Bóng đèn Điện Quang liên tục sa sút trong bối cảnh bà Kim Thoa bị xác định có nhiều sai phạm và nguy cơ mất chiếc ghế “Thứ trưởng” đang hiện hữu. Theo báo cáo tài chính công bố, DQC đạt lãi sau thuế 50,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, chỉ bằng 50% cùng kỳ và là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại.
Doanh thu giảm trong khi giá vốn, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của DQC. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng Tư, ban lãnh đạo DQC cũng đã nêu ra thực trạng khó khăn ở thị trường xuất khẩu, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu. Ngoài ra, sản phẩm đèn LED được kỳ vọng lớn vào thị trường trong nước cũng gặp phải cạnh tranh rất lớn từ hàng Trung Quốc.
Chính vì thế, DQC đã phải đẩy mạnh chi tiêu cho hoạt động bán hàng nhưng kết quả vẫn chưa thực sự khả quan. Trong một chi tiết đáng chú ý, theo số liệu của công ty Chứng khoán Rồng Việt, DQC giai đoạn 2008-2016 ghi nhận doanh thu tài chính lớn, bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá và lãi bán hàng trả chậm từ đối tác tại thị trường Cuba. Tuy nhiên, với việc khoản phải thu cho đến nay đã gần như được xử lý xong, dẫn đến khoản thu tài chính trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 28 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số cùng kỳ năm ngoái (72 tỷ đồng).
Khoản phải thu với đối tác Consumimport của Cuba bắt nguồn từ năm 2006 sau khi DQC ký hợp đồng cung cấp hàng chục triệu bóng đèn tiết kiệm điện trong một chương trình hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam – Cuba. Khoản nợ đã có lúc lên tới 1.100 tỷ đồng và từng xuất hiện tin đồn đối tác bên kia Thái Bình Dương mất khả năng thanh toán. Thông tin này góp phần khiến giá cổ phiếu DQC niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh giảm 25 lần từ mức đỉnh 232.000 đồng đầu năm 2008 về chỉ còn hơn 9.000 đồng đầu năm 2009. Mức giá thấp được duy trì các năm sau đó, giúp quá trình thâu tóm Bóng đèn Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa càng trở nên dễ dàng hơn.
Sau khi tỷ lệ nắm giữ của gia đình bà Thoa vượt mức 50% năm 2014 (như đã phân tích), giá cổ phiếu DQC tăng một mạnh lên hơn 80.000 đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, bê bối của Thứ trưởng Thoa khiến kết quả kinh doanh lẫn giá cổ phiếu DQC giảm mạnh. Mã chứng khoán này hiện giao dịch quanh ngưỡng 41.000 đồng, bằng 1/3 thị giá RAL của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông – đối thủ lớn nhất của DQC.
Đăng lại bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật