Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo đó, liên quan đến việc siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác quản lý và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Bộ trưởng GTVT cho biết đã ban hành kế hoạch và tổ chức thanh tra những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và lĩnh vực có nhiều phản ánh, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.
"Từ tháng 6/2022 đến nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai 26 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có nhiều cuộc kiểm tra đột xuất, diện rộng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực", báo Dân Trí dẫn thống kê trong báo cáo của Chính phủ.
Cụ thể, Bộ trưởng GTVT dẫn chứng một số cuộc kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; công tác điều phối giờ cất hạ cánh (slot); tổ chức thực hiện các dự án/gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và hệ sinh thái; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Công ty DAMCO…
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm, Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra đột xuất 9 dự án trọng điểm trong quá trình triển khai và chỉ ra các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý dự án…
Điển hình, kiểm tra về công tác chuẩn bị và triển khai dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; Mai Sơn - quốc lộ 45. Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…, báo An ninh Thủ đô đưa tin.
Báo cáo cũng nêu rõ qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý dự án. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục tồn tại, sai sót.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Vietnamnet
Cũng theo Bộ trưởng GTVT, để đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp nền, đặc biệt là nguồn vật liệu cát đang khan hiếm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ phối hợp với Bộ TN&MT triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại đã triển khai ngoài hiện trường (thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau), tổng chiều dài đoạn thí điểm 320m từ nguồn mỏ cát biển lấy ở Sóc Trăng.
Kết quả bước đầu thí điểm (triển khai thi công và quan trắc môi trường) cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho công tác đánh giá tổng kết.
Theo báo Vietnamnet, một nội dung khác cũng được Bộ trưởng GTVT báo cáo Quốc hội là nhiệm vụ hoàn thiện quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe.
Bộ GTVT thống kê hiện cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái ô tô, ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe tại 57 tỉnh, thành phố. 6 địa phương chưa có trung tâm sát hạch lái xe gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.
Theo Bộ trưởng GTVT, đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn. Một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.
Năm 2023, Bộ trưởng GTVT đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở GTVT trên phạm vi toàn quốc. Tinh thần được cơ quan quản lý nhấn mạnh là kiểm tra một cách công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm (nếu có) đến đó.
Qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Chẳng hạn như việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng để cơ sở đào tạo gửi báo cáo qua phần mềm chậm nhiều ngày; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.
XEM THÊM: Sau cải cách tiền lương năm 2024, bảng lương quân đội và công an thay đổi ra sao?
Đặc biệt, qua công tác kiểm tra đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến 6 cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền, theo báo cáo của Chính phủ.
Bộ GTVT cho biết, sẽ tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với đó là chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo…
Hoàng Yên (T/h)