Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bịt lỗ hổng từ mạng xã hội để tránh rủi ro cho công ty tài chính

  • Bảo An
(DS&PL) -

Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng bài, chia sẻ kinh nghiệm nhằm chiếm đoạt tài sản của các công ty tài chính, tín dụng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt, xử lý nghiêm các hành vi này để bảo vệ bên cho vay.

Lỗ hổng lớn từ mạng xã hội

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, vay tiền qua các công ty tài chính, tín dụng đã trở thành xu thế tiêu dùng hiện nay. Thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp nên người lao động nghèo, công nhân, các tầng lớp trong xã hội dễ dàng tiếp cận.

Dù bên cho vay đã nắm trong tay thông tin cá nhân của người vay (thông qua chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân), thông tin về người bảo hộ nhưng trên thực tế, họ vẫn gặp không ít rủi ro. Một số trường hợp cố tình lươn lẹo, đóng vai nạn nhân để trì hoãn trả tiền hoặc lợi dụng quy trình khởi kiện rắc rối để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ với công ty tài chính.

“Việc thủ tục cho vay nhanh chóng tạo thuận lợi cho người đi vay và làm gia tăng số lượng người vay của doanh nghiệp, công ty tài chính. Nhưng cũng vì thủ tục đơn giản, giấy tờ và các yêu cầu không phức tạp nên cũng có 1 bộ phận người nghĩ rằng có thể chiếm đoạt tài sản của công ty tài chính, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà không ai có thể làm được gì. Xuất phát từ ý nghĩ đó mà họ chây ì, trốn tránh”, ông Thịnh lý giải.

Vị chuyên gia kinh tế thừa nhận, trên thực tế không ai mong muốn doanh nghiệp của mình thất thoát và gặp phải rủi ro khi cho vay vốn. Tuy nhiên, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân đang gây nhiều khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp.

“Bên cho vay bị đình trệ, mất vốn, làm cho hoạt động cho vay của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này có thể đẩy các công ty, tổ chức tài chính vào tình trạng phá sản, làm ăn thua lỗ”, ông Thịnh cảnh báo.

Một phần nguyên nhân dẫn đến những ứng xử thiếu văn minh trong vay tiền được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra, đó là sự thiếu kiểm soát của mạng xã hội.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0 như hiện nay, việc chia sẻ thông tin vào các hội nhóm kín, trang mạng xã hội tương đối đơn giản. Bất cứ ai cũng có thể viết và đăng tải nội dung theo ý kiến của mình.

“Mạng xã hội rất phong phú, đa dạng và đa chiều. Bên cạnh những thông tin hữu ích, vẫn tồn tại không ít nội dung xấu, phản cảm, lôi kéo người dân làm theo, thậm chí là vi phạm pháp luật. Trong số này, có không ít bài viết chia sẻ kinh nghiệm, thủ đoạn, cách thức để lừa đảo, trốn nợ, chiếm đoạt tài sản của bên cho vay, các công ty tài chính, tín dụng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khó kiểm soát. Nhiều người dân sẽ mất cơ hội tiếp cận các khoản vay từ công ty tài chính, tín dụng do các tổ chức này siết chặt quy định cho vay. Tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các hội nhóm

Thừa nhận không ít vụ án thời gian qua xuất phát từ các fanpage, hội nhóm kín trên mạng xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là vấn đề mà cơ quan an ninh mạng và bản thân mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng cần hết sức lưu ý.

“Mạng xã hội là một kênh thông tin mà cơ quan an ninh và các doanh nghiệp cần tham khảo.  Những kẽ hở, lỗ hổng xuất trên mạng xã hội thời gian qua là vấn đề chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc để từ đó rút kinh nghiệm, thực thi một cách tốt nhất các quy định của pháp luật.

Nếu không quan tâm đúng mức thì sẽ có rất nhiều người học theo và làm theo cái xấu. Ở đây, tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc để chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh người đứng đầu các hội nhóm tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia bất hợp pháp. Một khi mang tới rủi ro cho doanh nghiệp, cá nhân thì phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, thậm chí phải tăng các chế tài, quy định của pháp luật. Những chế tài quyết liệt sẽ giảm thiểu, hạn chế được hành vi lừa đảo, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ”, ông Thịnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng cần tăng cường liên kết với các ngân hàng để kiểm tra, đánh giá khả năng trả nợ của người vay.

“Để tiến hành các thủ tục cho vay, ngoài căn cước công dân hay CMTND, người vay tiền cũng cần có người thân đứng ra bảo lãnh. Các công ty tài chính cần rà soát, sàng lọc một cách kỹ lưỡng. Từ việc xem xét công ăn việc làm, các yêu cầu liên quan đến khả năng trả nợ của những người liên quan. Ngoài ra, có thể tra ngay lịch sử tài chính trên thông báo vay nợ của ngân hàng nhà nước. Nếu người vay có nợ xấu hoặc lịch sử tài chính không tốt thì bên cho vay dễ dàng nắm được và có quyền từ chối ngay từ ban đầu. Như thế vừa tránh được rủi ro, vừa đảm bảo thông suốt hoạt động cho vay tiêu dùng”, ông Thịnh đề xuất.

Đình Hoàn

Tin nổi bật