Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bình Dương: Lợn bỗng dưng chết hàng loạt, nghi bị dịch tả lợn Châu Phi

(DS&PL) -

Tại 2 trang trại ở Bình Dương, hàng chục con lợn chết hàng loạt nghi bị dịch tả lợn châu Phi.

Tại 2 trang trại ở Bình Dương, hàng chục con lợn chết hàng loạt nghi bị dịch tả lợn châu Phi.

Thông tin trên báo Tiền Phong, chiều ngày 21/5 ông Vũ Minh Hải – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này vừa xuất hiện tình trạng lợn chết hàng loạt nghi bị dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, hàng chục con lợn trong tổng số gần 1000 con lợn bất ngờ chết lần lượt tại 2 trang trại trên địa bàn xã Vĩnh Hòa. Một trại nuôi bị chết 11 con và 1 trại nuôi chết 30 con. Tuy nhiên, số lượng lợn chết vẫn chưa dừng lại mà đang rải rác.

“Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng các đơn vị liên quan đã đến xã Vĩnh Hòa để phối hợp địa phương trong việc xử lý dịch, đồng thời có biện pháp ngăn chặn lây lan”, Chủ tịch xã Vĩnh Hòa chia sẻ trên báo Tiền Phong.

Lợn chết hàng loạt ở Bình Dương nghi bị dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Tiền Phong

Liên quan đến công tác ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, ngày 20/5, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 34-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi. 

Thông tin trên VietnamPlus, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

1. Coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội... tổ chức thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; quyết tâm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian nhanh nhất để bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân.

Động viên toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

3. Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp để phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tổ chức rút kinh nghiệm đợt phòng, chống vừa qua để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra đối với vật nuôi, cây trồng.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm kinh phí và các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh động vật nói chung và nhanh chóng kiểm soát lây lan; kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ.

5. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm tham gia phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh dịch tả lợn châu Phi; động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức chỉ đạo phòng, chống, khống chế dịch ở từng cấp; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, phương tiện, vật chất kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch bệnh này.

6. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị này.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật