Đây là những trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm tại 602 cơ sở y tế, 2.488 khu cách ly, 22.664 khu phong tỏa và 2.246 qua sàng lọc cộng đồng. Mặc dù hiện nay các trường hợp này đã được rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin theo quy định, nhưng việc bổ sung là nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người mắc và cơ sở thu dung, điều trị, Tiền phong thông tin.
Hình minh họa.
Ông Nguyễn Hồng Chương khẳng định trên VnExpress, tỉnh Bình Dương "không giấu dịch", mà trong 4 tháng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều đơn vị tư nhân tham gia hỗ trợ xét nghiệm RT-PCR nhưng chưa gửi dữ liệu kết quả về trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đầy đủ.
Sau khi dịch tạm lắng, tỉnh rà soát lại số liệu thì phát hiện số lượng lớn F0 chưa công bố, cấp mã bệnh nhân nên đề nghị bổ sung. "Việc công bố bổ sung các ca bệnh này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người bị nhiễm, đảm bảo tính minh bạch trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của địa phương", ông Chương nói.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 248.708 ca mắc COVID-19 (qua xét nghiệm RT-PCR, chưa tính số liệu công bố bổ sung 28.000 ca); trong đó có 241.732 bệnh nhân khỏi bệnh và 2.616 ca tử vong.
Bình Dương đang điều trị 2.757 bệnh nhân (tầng 1 là 1.848 bệnh nhân, tầng 2 là 528 bệnh nhân và tầng 3 là 381 bệnh nhân). Số bệnh nhân nặng, nguy kịch cần thở oxy: 249 bệnh nhân.
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm 4.223.864 liều/4.601.390 liều vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ (gồm 2.437.760 liều mũi 1 và 1.786.104 liều mũi 2). Đã tiêm 144.520 liều vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng 12-17 tuổi (trong đó: 83.369 liều cho đối tượng 15-17 tuổi và 61.151 liều cho đối tượng 12-14 tuổi).
Bình Dương đã thành lập 162 Trạm y tế lưu động, trong đó có 99 trạm y tế lưu động tại các xã, phường; 43 trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp và 20 tổ lưu động của quân y.
Việt Hương (T/h)