Chị N.T.T (34 tuổi, tại quận Long Biên, Hà Nội) nhập viện do mắc thủy đậu kèm theo biến chứng bội nhiễm da. Chị T có tiền sử mắc ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật và xạ trị khoảng 1 năm, điều trị lao phổi tháng thứ 3.
Trước nhập viện 3 ngày, người bệnh xuất hiện sốt cao 38,5 độ C, gai lạnh, mệt mỏi, đau rát họng, ăn uống kém, sau đó nổi mụn nước rải rác toàn thân mình, chân tóc, mặt, vòm họng. Cùng ngày vào viện, người bệnh còn sốt, mụn nước hóa mủ đục nhanh, ngứa rát, mệt mỏi nhiều, cảm giác tức ngực, khó thở.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có hiện tượng giảm tiểu cầu, chỉ số viêm nhiễm trong máu (CRP) tăng, men gan tăng nhẹ, chưa tổn thương phổi.
Người phụ nữ được điều trị thuốc kháng sinh, kháng virus, bôi thuốc tại chỗ, vệ sinh chăm sóc da, nâng cao thể trạng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được cho sử dụng thuốc hỗ trợ tế bào gan để hạn chế nguy cơ viêm gan cấp, suy gan nặng do đang dùng nhiều loại thuốc ảnh hưởng tế bào gan để điều trị bệnh lý nền. Nhờ được chăm sóc tích cực, tình trạng bệnh nhân dần ổn định. Bệnh nhân chưa từng tiêm vắc xin và không rõ lịch sử tiếp xúc với người bệnh thủy đậu.
Biến chứng bội nhiễm da khiến nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị thuỷ đậu dài ngày
Một trường hợp khác V.V.M (34 tuổi, tại quận Long Biên, Hà Nội) nhập viện do biến chứng bội nhiễm da do không tắm rửa, kiêng gió, kiêng nước và tự uống thuốc kháng sinh, kháng virus.
Sau 4 ngày, bệnh biến chứng, các mụn nước hóa mủ đục, dập vỡ lan rộng kèm đau rát, ngứa, mệt mỏi, khó ăn uống. Mụn xuất hiện ở cả vòm họng, chân tóc, đồng thời cơ thể xuất hiện nhiều cơn ớn lạnh. Bệnh nhân được điều trị hạ sốt, thuốc kháng virus, kháng sinh đường tĩnh mạch và chăm sóc, vệ sinh da, mũi họng, kết hợp nâng cao thể trạng. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, giảm tổn thương da và hết sốt.
BSNT. Đàm Thị Thanh Tâm, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, theo thống kê, từ sau Tết đến nay, bệnh viện ghi nhận nhiều ca đến khám ngoại trú và những ca phải nhập viện do biến chứng thủy đậu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Số bệnh nhân mắc bệnh nặng tăng nhanh từ sau Tết. Trong đó, biến chứng phổ biến nhất là bội nhiễm da. Đa số các bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm phòng vắc xin trước đó.
Theo BS Tâm, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm.
"Bệnh có thể gặp ở người lớn và trẻ em và đa số là lành tính. Khi bị thủy đậu, hầu hết người bệnh hồi phục trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm da, viêm phổi, viêm gan nặng, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, viêm thận...", BS Tâm cho hay.
Nữ bác sĩ cho biết thêm, người có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền (tim mạch, đái tháo đường, suy thận…) có nguy cơ bệnh trở nặng và biến chứng, tử vong cao hơn nếu mắc bệnh. Ngoài ra, virus có thể tồn tại trong tế bào thần kinh nhiều năm và diễn tiến thành bệnh Zona thần kinh gây đau đớn, giảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau này. Khi phát bệnh zona thần kinh, người bệnh vẫn có thể tiếp tục lây virus cho người khác gây ra bệnh thủy đậu.
Ở phụ nữ mang thai, khoảng 20% mắc thủy đậu sẽ dẫn đến viêm phổi và trong số này có 40% trường hợp sẽ tử vong. Mắc thủy đậu ở tuần thai 13-20 dễ dẫn đến dị dạng thai, thai chết lưu. Nếu thai phụ mắc thủy đậu ở 3 tháng cuối, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong cao tới 30%, 15% có nguy cơ mắc bệnh Zona thần kinh trong 4 năm đầu đời.
Lưu ý khi mắc thuỷ đậu
Bác sĩ Thanh Tâm lưu ý khi bị thủy đậu, người bệnh cần được cách ly, điều trị đúng phác đồ, chăm sóc vệ sinh da đúng cách để mau khỏi bệnh, tránh các biến chứng và sẹo gây ảnh hưởng thẩm mỹ, giảm nguy cơ lây cho người khác và giảm chi phí điều trị.
Người bệnh nên tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm và các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ; mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi để các mụn mủ luôn được khô ráo; cắt móng tay, chân để tránh làm vỡ nốt thủy đậu khi vô tình cào, gãi.
"Một số quan điểm sai lầm trong phòng tránh và điều trị thủy đậu như người từng mắc thủy đậu rồi có thể hoàn toàn không mắc lại, tiêm phòng thủy đậu sẽ không mắc bệnh, kiêng ra gió và kiêng tắm rửa, chọc vỡ mụn mủ để tổn thương da mau lành, tự ý sử dụng thuốc kháng virus, thuốc kháng virus, thuốc giảm viêm có corticoid… có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, tăng nguy cơ biến chứng, chi phí và kéo dài thời gian điều trị", BS Thanh Tâm cho hay.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin phòng thủy đậu.
Vị chuyên gia cho biết thêm, người đã từng mắc thủy đậu thường có miễn dịch bền vững với virus. Tuy nhiên nếu tiếp xúc với nguồn lây bệnh mà không biết cách phòng tránh, miễn dịch cơ thể suy giảm, có thể hoàn toàn mắc lại thủy đậu. Khi đó, người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho những người khác.
Bác sĩ Thanh Tâm khuyến cáo tiêm phòng vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.
Hiện nay, cả nước xuất hiện nhiều ổ dịch thủy đậu với nhiều ca mắc, biến chứng và đã có ca tử vong. Đặc biệt diễn biến thuỷ đậu thời gian này nghiêm trọng hơn ở người lớn, mới đây Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Yên Bái ghi nhận người phụ nữ 42 tuổi tử vong do mắc thủy đậu kèm biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp.
CDC các địa phương cảnh báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc, chùm ca bệnh mới do thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, trong đó có thủy đậu.
Mộc Trà