Một người đàn ông 60 tuổi đã cắt đứt ngón tay của mình sau khi bị rắn độc cắn. Sau, ông dùng vải bọc lại và đi 80 km tới Hàng Châu (Trung Quốc).
Các bác sĩ đã không thể nối lại ngón tay cho nạn nhân. Ảnh: Weibo. |
Người nông dân 60 tuổi tên Zhang đã bất ngờ bị rắn cắn vào ngón tay khi đang chặt củi gần ngôi làng của mình, ở huyện Shangyu của tỉnh Chiết Giang.
Ông Zhang xác định đây là một loại rắn đặc biệt đáng sợ có tên “ngũ bộ xà” với quan niệm rằng nạn nhân sẽ tử vong trước khi đi bộ năm bước chân, nên ông đã chặt phăng ngón tay để ngăn nọc độc lây lan .
Sau đó ông quấn tay bằng một miếng vải và thực hiện hành trình dài 80km đến Hàng Châu, thành phố lớn gần nhất, để được điều trị.
Tuy nhiên, người đàn ông đã để ngón tay bị cắt cụt trên sườn núi, điều đó có nghĩa là các bác sĩ sẽ không có cơ hội gắn lại cho ông.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc Hàng Châu nói rằng không cần phải thực hiện một hành động quyết liệt như vậy bởi vì con rắn ít gây chết người hơn người ta thường nghĩ. Tuy nhiên, các bác sĩ đồng thời cho biết phản ứng của ông Zhang khi bị cắn là một điều khá phổ biến tại nước này.
Ren Jinping, một bác sĩ tại bệnh viện, nói với đài truyền hình Chiết Giang rằng khi ông Zhang đến bệnh viện, ông không có bất kỳ triệu chứng nào như đau đầu, khó thở hoặc chảy máu nướu.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã cho ông sử dụng một huyết thanh chống nọc độc và làm sạch vết thương trên ngón tay.
Loài rắn được mệnh danh "ngũ bộ xà". |
Yuan Chengda, một bác sĩ khác của bệnh viện, cho biết thật đáng tiếc khi ông Zhang không thể giữ lại ngón tay. Việc cắt đứt là không cần thiết.
"Ngũ bộ xà" là loài rắn độc còn được biết đến với tên gọi Deinagkistrodon. Chất độc của "ngũ bộ xà" có thể khiến nạn nhân của nó bị chảy máu, sưng phồng và đau đớn. Tuy nhiên, quan niệm cho rằng nạn nhân sẽ chết sau 5 bước đi chỉ là một sự phóng đại.
Từ đầu năm tới nay, bệnh viện Y học cổ truyền Hàng Châu đã tiếp nhận 1.200 bệnh nhân bị rắn độc cắn. Các bác sĩ cho biết trước khi tới bệnh viện, 30% trong số 1.200 bệnh nhân xử lý vết cắn theo cách hoàn toàn sai.
"Một số dùng dao chặt các ngón tay và chân, một số lại dùng dây hoặc dây thép buộc chặt vết cắn. Thậm chí, một số người còn đốt phần da nơi bị cắn", bác sĩ Yuan chia sẻ.
Bác sĩ Yuan Chengda cho biết thường xuyên khuyên bệnh nhân không nên thực hiện các biện pháp thái quá để ngăn nọc độc phát tán.
Mộc Miên (Theo SCMP)