Một trong nỗi kinh hoàng nhất đối với đội quân viễn chinh Pháp khi xâm chiếm Việt Nam là khí hậu oi nóng vào mùa hè ở miền Bắc và các bệnh nhiệt đới như: Sốt rét, tả, kiết lỵ, thương hàn. Vì thế ngay sau khi chiếm trọn Hà Nội năm 1883 họ đã xây dựng bệnh viện.
Cùng với bệnh viện họ cũng bắt tay ngay vào việc tìm kiếm những vùng đất phù hợp để xây các khu nghỉ dưỡng với mục đích hồi sức khỏe cho sỹ quan, binh lính và quan chức chính quyền Pháp. Việc ra đời các khu nghỉ dưỡng trên đất Việt Nam sẽ tiết kiệm cho Chính phủ Pháp một khoản ngân sách rất lớn bởi những người này không cần phải trở về Pháp nghỉ ngơi.
Ngoài các khu nghỉ dưỡng ven biển, chính quyền Pháp đã cho các bác sĩ, nhà khoa học đi khảo sát nghiên cứu ở nhiều vùng núi. Những nơi được chọn làm khu nghỉ dưỡng trên núi phải ở độ cao 1.000m, lý tưởng là 1.200m để đảm bảo khí hậu trong ngày không có sự chênh lệnh quá lớn. Và nơi đó phải có nguồn nước dồi dào, có đất để trồng các giống rau ôn đới. Năm 1897, Đà Lạt đã được chọn xây dựng khu nghỉ dưỡng và chữa bệnh đầu tiên. Ở miền Bắc, dự án ở Sapa được khởi công năm 1909 và năm 1915 bắt đầu đón khách. Với Tam Đảo, năm 1911, chính quyền cho làm đường từ thị xã Vĩnh Yên lên núi, sau 4 năm con đường hoàn thành và từ đó trên đỉnh núi này xuất hiện khách sạn, biệt thự công và tư. Tuy núi Ba Vì được Toàn quyền Paul Doumer ký quyết định cho khảo sát từ năm 1897 song đến đầu thế kỷ 20 vẫn chưa động tĩnh gì cho dù dưới chân núi đã bừng tỉnh bởi đồn điền của người Pháp mọc lên như nấm.
Biệt thự này đã được Melia Ba Vì phục dựng hiện phục vụ du khách nghỉ dưỡng. |
Nhưng một sự thay đổi lớn xảy ra vào năm 1916, khi chính quyền tỉnh Sơn Tây chuyển nhượng 16 héc- ta đất ở độ cao 400m trên núi Ba Vì cho ông Marius Borel, một nhà tư bản Pháp làm khu nghỉ dưỡng. Những đồn điền cà phê mênh mông của ông này dưới chân Ba Vì là đồn điền cà phê đầu tiên ở miền Bắc và cũng là đầu tiên ở Việt Nam. Không chỉ trồng cà phê, Borel còn nuôi bò, nuôi dê lấy sữa làm pho mát cung cấp cho quân đội và người Pháp ở Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông... Trên lô đất 16 héc- ta, Borel đã cho xây ngôi biệt thự, đây là biệt thự đầu tiên trên núi Ba Vì.
Lại một bất ngờ đến với Ba Vì, năm 1923, Công sứ Sơn Tây là Muster Lachaud cho làm một con đường từ chân núi đi ngang qua đồn điền của Borel. Với Marius Borel, con đường chạy qua đồn điền thực sự là món quà vô giá mà chính quyền ban tặng. Nhờ có đường, công việc trồng cây canh ki na, loại cây là nguyên liệu để chế biến thuốc bổ thêm nhiều thuận lợi giúp ông tăng thêm nguồn thu. Nhà tư bản, hẳn nhiên là họ có tài, có chí, bản tính thì quyết đoán nhưng với Borel còn thêm tính keo bẩn, đa nghi. Ông ta trả công cho những người địa phương thu hái cà phê với giá rẻ mạt kèm theo thái độ ban ơn, thậm chí ông ta còn cho người kiểm tra xem họ có giấu quả cà phê vào cạp váy không.
Thập niên 20, các khu nghỉ dưỡng ở Sapa, Mẫu Sơn, Tam Đảo đã đi vào hoạt động và tiếp tục mở rộng nhưng Ba Vì vẫn chờ các động thái từ toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Khi Wintrebert thay thế Muster Lachaud làm Công sứ Sơn Tây năm 1925, ông này đã đệ trình một kế hoạch làm khu nghỉ mát ở cao độ 800 trên núi Ba Vì trong đó có việc làm đường từ độ cao 400m lên độ cao 800m. Tuy nhiên dự án đã bị thống sứ Bắc Kỳ từ chối với lý do: Kinh phí đang dồn cho khu nghỉ mát Sapa và Tam Đảo. Năm 1929, ở độ cao 400m xuất hiện thêm hai biệt thự của công sứ Sơn Tây Wintrebert và chủ đồn điền ở làng Yên Cư dưới chân núi Ba Vì là Demolle. Sự tồn tại 3 biệt thự của ba người nổi tiếng xứ Bắc Kỳ khiến nó được chú ý hơn với tư cách điểm nghỉ mát yên tĩnh.
Để cứu vãn nền kinh tế Đông Dương đang suy thoái, năm 1932, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ký quyết định phê duyệt dự án khu bảo tồn rừng Ba Vì trong đó tách khu đất ở điểm cao 428m ra khỏi quy hoạch để làm khu nghỉ dưỡng. Quyết định của Pierre Pasquier đã mở ra hướng đầu tư cho các chủ đồn điền quanh vùng và họ đã tham gia đấu giá đất để xây dựng biệt thự và khách sạn ở độ cao này. Và cho dù nền hành chính Pháp nhiều tầng nấc, nhiêu khê nhưng từ đó cho đến 1945, điểm cao 400 đã hình thành một thị trấn, có khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, cửa hàng tạp hóa, vườn trẻ, nhà thờ, sân tenis, hệ thống liên lạc hữu tuyến với Sơn Tây và Hà Nội.
Bể bơi trong khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì. |
Còn tại độ cao 600m, ngay từ năm 1923 chính quyền đã có ý định xây dựng một trạm nghỉ mát dành cho sĩ quan quân đội Pháp. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn nước cũng như sự chật hẹp mặt bằng ở cao độ này nên dự án bị tạm đình lại. Năm 1929, để tăng thêm sức mạnh quân sự, chính phủ Pháp đã xây dựng một khu liên hợp quân sự rộng lớn quanh thị xã Sơn Tây bao gồm: Doanh trại đồn trú của binh đoàn lê dương, thuộc địa, ky binh, pháo binh, sân bay, các trường bắn quân sự, xưởng sửa chữa máy bay... với hàng nghìn quân. Khi các sĩ quan đóng quân ở đây đi nghỉ mát ở Sapa, Mẫu Sơn, Tam Đảo phàn nàn phải di chuyển quãng đường quá xa nên chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết định cho xây trạm nghỉ ở độ cao 600m trên núi Ba Vì.
Năm 1936, đội khảo sát sử dụng máy bay đã tìm ra nguồn nước dồi dào ở đỉnh núi, ở cao độ 600m, họ đã đưa ra những đánh giá rất tốt về khí hậu, cảnh quan. Một phát hiện thú vị của đội khảo sát là từ vị trí sẽ xây trạm nghỉ (nay là Melia Ba Vì) đến vị trí sẽ xây sân bay luôn nhìn thấy con sông Đà. Kết quả khảo sát này cũng thúc đẩy chính quyền tỉnh Sơn Tây lập quy hoạch bán đất xây biệt thự trên độ cao 1.000m cho những ai có nhu cầu. Đây là lý do vì sao mà họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc có biệt thự ở ngọn núi này.
Xây nhà trên núi là công việc vô cùng khó khăn, gian khổ vì con đường lên cao độ 600m nhỏ hẹp, quanh co và gập ghềnh. Cái khó bó cái khôn, việc vận chuyển vật liệu lên núi vất vả, mất nhiều công sức và giá thành rất cao khiến họ nghĩ ra xay đá, sỏi làm cát. Một sáng kiến thông minh nhưng lại là sự nhọc nhằn của những người tù khi hàng ngày họ phải quay cái cối vừa lớn, vừa nặng. Trong quá trình xây dựng cho thấy quân đội Pháp dù được ưu tiên nhưng họ vẫn phải tuyệt đối chấp hành các quy định trong đó có cả quy định của công sứ Sơn Tây, đó là không được phép khai thác gỗ ở trên núi Ba Vì để sử dụng cho công trình.
Sau một thời gian dài xây cất với muôn vàn khó khăn thách thức, cuối cùng trạm nghỉ mát dành cho sĩ quan Pháp với hơn 100 biệt thự và các công trình dịch vụ đã hiện hữu vào những năm đầu thập niên 40. Nối từ biệt thự nọ tới biệt thư kia là con đường lát bằng viên đá nhỏ tuyệt đẹp. Thiên nhiên đã tạo ra núi Ba Vì, xa xưa người Việt đã thiêng hóa nó và bà con dân tộc Dao, Mường, cả những biệt thự đã làm cho Ba Vì có một tâm hồn.
Còn nữa...
N.N.T
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ hai (số 155)