Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí ẩn người nhận hậu duệ và ngôi cổ mộ của vị tiền hiền được lấy tên đặt cho vùng đất Thủ Đức

(DS&PL) -

Nằm trong khu dân cư cửa nhà san sát, ngôi cổ mộ lặng lẽ “thi gan cùng tuế nguyệt” đã gần 130 năm.

Nằm trong khu dân cư cửa nhà san sát, ngôi cổ mộ lặng lẽ “thi gan cùng tuế nguyệt” đã gần 130 năm. Dù từng được giới kinh doanh đặt niềm tin tâm linh, phù trợ việc buôn bán, ngôi mộ vẫn không mấy được chú ý. Thậm chí, khi được xác định là mộ phần của vị tiền hiền sáng lập chợ Thủ Đức, cổ mộ vẫn đìu hiu, trầm mặc trong vô vàn bí ẩn của mình. Hậu duệ của vị thương gia từng được người dân lấy tên đặt cho vùng Thủ Đức cũng xuất hiện một lần rồi “mất tích” một cách bí ẩn...

Nơi an nghỉ của người sáng lập chợ Thủ Đức

Trời chiều tắt nắng, ông Thái Bá Cởi (SN 1949, ngụ phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) đến ngôi mộ cổ lọt thỏm trong khu dân cư chật hẹp quét tước, dọn dẹp những chân nhang được người dân thắp không đúng nơi quy định. Ông cho biết, cổ mộ này đã được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp thành phố năm 2007 và ông là thành viên ban Quản lý di tích này. “Đây là nơi an nghỉ của người sáng lập chợ Thủ Đức. Và, tên hiệu của ông cũng được người dân dùng để đặt tên cho vùng đất này”, ông Cởi thông tin.

Theo tìm hiểu của PV, khuôn viên cổ mộ gần 130 tuổi này bao gồm 2 vòng tường bao xung quanh bình phong tiền, bình phong hậu. Ngôi mộ nằm chính giữa được xây dựng bằng mật mía, vôi, cát... Nền ngôi mộ được lát bằng đá ong cứng chắc. Bên ngoài có 2 trụ đá ong, phía trên chạm hình búp sen. Ông Cởi chia sẻ, đây là mộ phần ông Tạ Dương Minh, người được người xưa kính trọng, xem như một vị tiền hiền. Ông vốn là người nơi khác, phiêu dạt đến vùng đất Thủ Đức ngày nay.

“Các tài liệu lịch sử ghi chép, ông Tạ Dương Minh có tên húy là Huy, tên hiệu Thủ Đức. Khi đến vùng đất này ông được Chúa Nguyễn cho phép định cư tại vùng Linh Chiểu Đông. Tại đây, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp. Để thuận tiện cho người dân buôn bán, ông cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thương ở khu vực này và gọi là chợ Thủ Đức. Đây chính là chợ Thủ Đức ngày nay. Tên hiệu của ông cũng được dùng chính thức để gọi tên vùng đất Thủ Đức qua các thời kỳ cho đến nay”, ông Cởi thông tin.

Phía trước mộ có tấm bia bằng đá ghi lại thông tin về ngôi mộ.

Cũng theo ông Cởi, mặc dù là nơi an nghỉ của vị tiền hiền, được người xưa tôn kính, thế nhưng trước đây, ngôi mộ hầu như không được nhiều người biết đến. Thậm chí, cổ mộ bị bỏ hoang, không ai chăm sóc dẫn đến xuống cấp. Ông kể: “Khi tôi đến vùng đất này, ngôi cổ mộ đã nằm ở vị trí bây giờ. Ban đầu, không ai chú ý đến ngôi mộ, không ai quan tâm, nhang khói. Họa hoằn lắm, mới có một vài người đến thắp nhang. Có chăng, dịp Tết, rằm, tôi mới thấy 1-2 người đem nhang đến thắp cho người xưa. Hỏi ra mới biết, không ai trong số họ thuộc dòng họ hay hậu duệ của ông Tạ Dương Minh cả”.

Việc mộ cổ của vị tiền hiền từng sáng lập ngôi chợ từ gần 130 năm trước vẫn sầm uất cho đến ngày không có người chăm nom, chăm sóc thường xuyên khiến nhiều người khó hiểu. Trao đổi với PV, những người dân sinh sống xung quanh khu mộ cổ cho biết, từ trước đến nay, họ không thấy ai chăm sóc mộ cổ. Có thể vị tiền hiền có tên hiệu được đặt tên cho vùng đất này không có hậu duệ khiến mộ phần quạnh quẽ, hoang lạnh làm họ bất ngờ, khó hiểu.

“Ngày trước, cũng có người đến thắp nhang ở mộ. Nhưng họ chỉ thắp một nén nhang sơ sài rồi đi chứ không cúng viếng hay sửa sang mộ gì cả”, một người dân có nhà gần khu mộ cổ nói với PV.

Hậu duệ vị tiền hiền xuất hiện chớp nhoáng?

Nhiều tài liệu cho rằng, mộ cổ có hình ngưu miên.

Trao đổi với PV, ông Thái Bá Cởi cho biết, sau năm 2007, khi được chính quyền TP.HCM xếp hạng di tích, ngôi mộ được nhiều người chú ý hơn. Từ đây, xuất hiện nhiều người đến mộ nhang khói.

“Thời điểm đông nhất là vào dịp ngày rằm, Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không ai trong số họ là bà con, dòng họ đời sau của ông Tạ Dương Minh cả. Khi biết chính xác đây là mộ phần của người sáng lập nên chợ Thủ Đức, người dân tại khu phố thường xuyên nhang khói tưởng nhớ công ơn của người đã khuất. Theo tôi biết, ông Tạ Dương Minh có miếu thờ riêng nhưng không nằm trong khu phố này”.

Việc này khiến xung quanh khuôn viên mộ cổ chi chít chân nhang, lư hương gây mất mỹ quan. Sau này, ông Cởi và ban Quản lý di tích yêu cầu người dân thắp nhang vào lư hương chung được đặt trước mộ phần. Tuy nhiên, thời điểm PV có mặt, xung quanh ngôi cổ mộ vẫn có những lư hương “tự phát” cùng nhiều chân nhang được cắm lung tung tại nhiều vị trí khác nhau. Theo tìm hiểu, số lư hương và chân nhang này là của một số người có niềm tin mê tín vào việc ngôi mộ cổ linh thiêng có khả năng phù trợ họ trong việc kinh doanh.

Lý giải thông tin trên, ông Cởi cho biết, trước đây, có một số người cho rằng sinh thời, ông Tạ Dương Minh là một lái buôn giỏi. Do đó, việc đến nhang khói tại mộ phần của ông sẽ giúp công việc làm ăn của họ phát đạt, khấm khá.

“Những người này tin rằng mộ cổ của ông có linh khí, sẽ phù trợ họ trong việc kinh doanh. Gặp những trường hợp như vậy, tôi đều khuyên can và giải thích rõ. Từ ngày khu mộ được chúng tôi quản lý, tình trạng này ít đi. Hằng năm, đến ngày rằm, lễ Tết, người dân mới đến mộ nhang khói, cúng viếng để nhớ ơn người xưa”, ông Cởi thông tin thêm.

Cũng theo ông, sau khi được xếp hạng di tích, mộ cổ được tu sửa theo đúng nguyên bản. Từ đây, ngôi mộ bất ngờ trở nên “nổi tiếng” và lần đầu tiên, ông Tạ Dương Minh có người tự nhận là hậu duệ của ông tìm đến thăm viếng.

Ông Cởi kể, vài năm trước, khi khu mộ cổ được nhiều báo đài tìm hiểu, đăng tải các thông tin liên quan, một người từ tỉnh Bình Thuận đã đến nhà ông để hỏi về ngôi mộ cổ. Ông nói: “Năm đó, ông này tìm đến nhà tôi và nói là ông đọc được thông tin về ngôi mộ cổ trên mạng. Xâu chuỗi các thông tin, ông nhận ra, người đã khuất chính là cụ tổ của mình”.

“Tôi có dẫn ông ấy đến ngôi mộ cho ông thắp nhang. Ông ấy tỏ ra hết sức vui mừng và nói dòng họ của ông đã trôi dạt nhiều nơi và thất lạc, tứ tán từ lâu. Khi đọc được thông tin về ngôi mộ, ông rất mừng. Ông ấy nói, được đến thăm mộ và thấy mộ cụ tổ được chăm sóc, bảo vệ tốt như vậy, ông ấy rất an tâm và hạnh phúc.

Trong lần gặp mặt này, tôi cũng trình bày nếu ông đúng là hậu duệ của cụ Dương Minh Châu thì tôi sẽ hướng dẫn các thủ tục cho ông ấy thường xuyên đến chăm sóc, nhang khói tại khu mộ. Tuy nhiên, ông lại từ chối cùng tôi ra gặp, trao đổi với cơ quan chức năng. Ông hứa với tôi là sẽ tiếp tục lên thăm mộ. Thế nhưng, từ lần gặp mặt ấy đến nay, người này không xuất hiện thêm một lần nào nữa và cũng không hề liên lạc với tôi”, ông Cởi nói thêm.

Chưa xác định được hình dáng ngôi cổ mộ

Ông Thái Bá Cởi, thành viên ban Quản lý di tích mộ tiền hiền Tạ Dương Minh cho biết: “Trước đây, có tài liệu cho rằng ngôi mộ cổ có hình ngưu miên (trâu ngủ - PV) hoặc voi phục. Tuy nhiên, theo tôi, nhận định này chưa chính xác. Bởi, thời điểm tu sửa mộ, sau khi cạo bỏ lớp rêu bám, thân mộ lộ ra nhiều hoa văn như hình xoắn ốc.

Theo tôi, hoa văn này không được sử dụng để miêu tả, xây dựng hình ảnh con trâu. Trong khi đó, nếu gọi đây là hình con voi phục cũng thiếu thuyết phục bởi, thân mộ không được khắc họa hoa văn thể hiện cặp ngà, vòi vốn là đặc điểm của con voi”.

HÀ NGUYỄN

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 1 số thứ Hai (119)

Tin nổi bật