Mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 2/2019, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã bộc lộ rất nhiều bất cập về mặt xây dựng, trước tình hình trên lãnh đạo bệnh viện đã đề xuất trên 63 tỷ để khắc phục, sửa chữa lại bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu giải quyết những vấn đề tồn tại của bệnh viện. Theo đó, bệnh viện đề xuất gần 185 tỷ đồng cho việc xây dựng và mua sắm trang thiết bị (trên 63 tỷ để xây dựng, cải tạo bệnh viện; trên 120 tỷ để mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn).
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với kinh phí xây dựng trên 1.100 tỷ đồng nhưng vừa hoạt động đã phải sửa chữa
Một vị lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, vào năm 2009 bệnh viện được khởi công xây dựng với kinh phí tiền trên 1.100 tỷ đồng, trong đó dự kiến dành 50% xây dựng và 50% mua thiết bị. Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng đến năm 2019 mới hoàn thành nên không còn tiền để mua trang thiết bị nên phía bệnh viện phải đề xuất mua trang thiết bị phục vụ công tác khám – chữa bệnh.
Riêng phần đề xuất trên 63 tỷ để cải tạo, xây dựng lại bệnh viện do có rất nhiều bất cập trong việc thiết kế nên dù mới chỉ hoạt động hơn 1 tháng đã phải khắc phục, xây dựng lại.
Bệnh viện thiết kế 5 tầng tách biệt và không có cầu nối các khoa
Cụ thể, bệnh viện được thiết kế xây dựng 5 tầng tách biệt lại không có cầu nối, giữa các tầng và có độ dốc rất lớn dẫn đến khó khăn trong di chuyển cho bác sĩ lẫn bệnh nhân. Để khắc phục, bệnh viện đề xuất 30 tỷ để xây dựng cầu nối và 1 tỷ đồng cho việc cải tạo độ dốc hành lang nối các tầng.
Để đẩy bệnh nhân di chuyển qua các tầng rất vất vả với độ dốc như vậy
Tại khu vực đăng ký khám chữa bệnh, mái che được làm bằng kính cường lực, do đó ánh nắng chiếu trực tiếp vào khu vực bệnh nhân ngồi chờ khám rất nắng nóng, khó chịu. Còn khi trời mưa, khu vực này bị tạt nước vào gây phiền hà cho người dân và dễ hư hỏng thiết bị.
Khu vực chờ khám, chữa bệnh mái che làm bằng kính rất nắng nóng cho bệnh nhân
Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác như: đa số các tòa nhà thiết kế lắp đặt ống thoát nước nhỏ 76ml gây tắc nghẽn và rò rỉ nước ở khu vực nhà vệ sinh; Các bể phốt bị rò, thấm nước tràn ra ngoài; Nhiều cửa của các tòa nhà bị sệ xuống không đóng mở được…; Hệ thống nước máy yếu không đủ cung cấp nước sinh hoạt; Nhà tang lễ không có bệ để tử thi…
Về bồn oxy lỏng của bệnh viện nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh viện. Bồn oxy chỉ sử dụng trong vòng 3 ngày là phải nhập mới. Nước thải chứa hóa chất chảy quanh khu nhà kiểm soát, đóng thành lớp rêu, bốc mùi hôi thối.
Nước thải chảy tràn ra khu vực nhà khoa kiểm soát nhiễm khuẩn bốc mùi hôi thối nồng nặc
Hệ thống PCCC của bệnh viên chưa hoàn thiện, hệ thống phun tự động bị rò rỉ nước, hai trụ tiếp nước ngoài trời không có nước. Các tòa nhà A, B không có bồn nước chữa cháy riêng trên nóc, không có bản hướng dẫn sử dụng hệ thống điều khiển PCCC. Thang máy khu nhà nghiệp kỹ thuật nghiệp vụ bị lỗi, cửa không mở được, không hoạt động…
Khu nhà khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn quá xa, nằm khu vực dưới sâu độ dốc cao nên khó khăn trong việc vận chuyển cung cấp và thu gom dụng cụ y tế…
Hiện bệnh viện chưa có khu vực xử lý rác nên nhân viên phải thu gom đưa qua bệnh viện cũ để đốt
Ngoài ra, bệnh viện cũng đề xuất 4 tỷ đồng cho việc xây dựng khu nhà để xe cho nhân viên và người nhà bệnh nhân do khu để xe hiện tại quá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu.
“Bệnh viện đề nghị ban quản lý dự án cần khắc phục những tồn tại, vướng mắc và đề nghị sở ban ngành quan tâm để bệnh viện có nguồn đầu tư xây dựng bệnh viện phục vụ cho người dân được tốt hơn”, vị lãnh đạo bệnh viện cho biết thêm.
Hệ thống thang máy không đủ chiều dài cho giường bệnh nhân
Theo Dân Trí