Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bé trai 14 tuổi bị thương nặng do tự chế pháo tại nhà

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thông tin, khoa Bỏng - Chỉnh trực của bệnh viện đang tích cực điều trị cho bệnh nhi tên T (nam, 14 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) bị các vết thương nặng ở vùng mặt, bàn tay phải,… vì tự chế pháo tại nhà.

Chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, người nhà bệnh nhi cho biết, do đang ở tuổi khám phá, tò mò nên T tham khảo thông tin tự chế pháo trên mạng, đặt mua hóa chất rồi làm theo.

Sự việc chỉ được phát hiện khi cả nhà nghe tiếng nổ lớn. T được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhà sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ghi nhận T dập nát bàn tay phải, bỏng vùng mặt, mắt và bộ phận sinh dục.

T được đưa đi cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay phải, bỏng vùng mặt, mắt và bộ phận sinh dục. Ảnh minh họa.

Bác sĩ  Đinh Gia Khánh, khoa Bỏng - Chỉnh trực (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết ngay khi nhập viện, T được phẫu thuật cấp cứu, cắt lọc, khâu vết thương và điều trị bỏng.

Các y bác sĩ đã khẩn trương điều trị để giảm thiểu thương tổn do pháo nổ gây ra. 

Trường hợp trẻ hiếu động tự ý chế pháo tại nhà không hiếm, đặc biệt là khoảng thời gian Tết Nguyên đán cận kề. Trước đó, một nam sinh lớp 6 (ngụ tại Bà Rịa- Vũng Tàu) cũng phải nhập viện cấp cứu do tự chế pháo tại nhà.

Theo Vnexpress nam sinh này được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu với nhiều mảnh thủy tinh găm vào chân, tay, ngực và vùng cổ.

Phim chụp X-quang cho thấy một mảnh vỡ thủy tinh lớn cắm vào cổ, gần khí quản bệnh nhân.

5 bác sĩ ở các khoa được huy động phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, trong 4 tiếng đồng hồ đã gắp ra gần 20 mảnh thủy tinh vỡ. Hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh táo, tay chân cử động bình thường.

Tai nạn chấn thương do nổ pháo tự chế xảy ra nhiều vào dịp lễ tết, nạn nhân nhiều nhất là ở tuổi học sinh. Các bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng, tự chế pháo.

Ngoài ra, cần giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm khi tự chế pháo như có thể gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong. Đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ, đặc biệt là trong thời gian gần Tết, khi trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế pháo nổ tại nhà.

Việc tự chế pháo nổ là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em và những người xung quanh. Vì thế gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác để giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật