Tuy nhiên, mỗi lần làm việc tại Cơ quan điều tra, "thầy" Năm Hậu luôn tỏ thái độ ăn năn, nước mắt ngắn dài khóc lóc van xin hứa hẹn viết cam kết không tái phạm. Thế nhưng, chưa dừng lại ở việc khám chữa bệnh phản khoa học, "thầy" Năm Hậu tự cho mình có khả năng hô mưa gọi gió, điều khiển các hiện tượng tự nhiên khiến người dân bức xúc, phẫn nộ.
Dùng "chân rết" trên mạng xã hội để làm thương hiệu
Không phải đến bây giờ bà Năm Hậu (tên thật là Nguyễn Thị Hậu, SN 1954, ngụ đường Cù Lao, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) mới bị lên án, phản ánh mà việc hành nghề trái pháp luật này đã diễn ra hơn 10 năm nay. Hành trình triệt phá "hang ổ" của “thầy” Năm Hậu không hề đơn giản. Trước khi sự thật bị phơi bày đã có "chuyên án" được đặt ra nhưng đều bất thành.
Thực tế, trước việc làm sai trái của "thầy" Năm Hậu, chính quyền địa phương đã nhiều lần cài người vào nhưng những lần trước đây đều bất thành vì "thầy" Năm Hậu rất cảnh giác và đã quá quen mặt các cán bộ địa phương. ông C. (cán bộ khu phố 4, phường 2) chia sẻ: "Có nhiều lần, tôi đã khuyên nhủ bà Năm Hậu rằng: “Chị nên bỏ việc làm sai trái này đi. Bởi việc làm của chị không chỉ ảnh hưởng tới công tác quản lý của chính quyền địa phương mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Nhưng bà Năm Hậu vẫn ương bướng không chịu hợp tác".
Sở dĩ, "thầy" Năm Hậu từng có đất "trổ tài" là vì bên cạnh việc cố chấp, cứng đầu của "thầy" thì còn do không ít người dân tỉnh lẻ thiếu hiểu biết, đặt niềm tin một cách mê muội. ông C. cho hay: "Cách đây hai tháng, phát hiện có hai người phụ nữ đến đây nhờ bà Năm Hậu chữa bệnh vì cho là bị tà ma. Thấy vậy, tôi hết lời khuyên ngăn những người dân này đến bệnh viện chữa bệnh nhưng họ dứt khoát không nghe và nhất định vào cho bằng được".
"Thầy" Năm Hậu khi còn hành nghề xua ma, đuổi quỷ. |
Để lý giải vì sao "thầy" Năm Hậu một thời gian dài tác oai, tác quái và có nhiều "đất diễn", PV đã từng cất công nhiều ngày có mặt tại đường Cù Lao (phường 2, quận Phú Nhuận) dẫn vào nhà "thầy" Năm Hậu để tìm hiểu. Nhiều người dân nơi đây cho rằng: "Mặc dù, "thầy" Năm Hậu đã bị lên án, nhưng cư dân mạng vẫn "hồn nhiên", không ngừng quảng cáo cho "thương hiệu" của thầy". Thật choáng váng bởi từ những thông tin của người dân nơi đây, PV chỉ cần gõ vào thanh công cụ tìm kiếm google chưa đầy 1 giây đã có đến hàng loạt đường link có nội dung liên quan đến "thầy" Năm Hậu hiện ra. Đặc biệt, trong đó có không ít các đường link kết nối từ mạng xã hội để "quảng bá" cho "sức mạnh siêu nhiên" của "thầy" Năm Hậu.
Chị N.T.L. (một người dân ngụ phường 2, quận Phú Nhuận) cho biết: "Hiện nay có không ít người lập riêng cho "thầy" Năm Hậu tài khoản facebook riêng để tiện "quảng bá" thương hiệu. Tại trang mạng facebook "Hội những người kính mến "thầy" Năm Hậu" đã có không ít lời tung hô trên trời, dưới đất về "biệt tài" của thầy. Để thu hút người xem, chủ nhân của trang mạng này đã đưa ra không ít "bằng chứng", câu chuyện về việc "chữa bệnh" "thần kỳ" của "thầy" Năm Hậu. Tình trạng này đã khiến cho hàng trăm cư dân mạng tò mò, vào đây bàn tán và muốn được diện kiến để nhờ bàn tay "mát mẻ" của thầy giúp đỡ". Điều này lý giải vì sao, một thời gian dài trước khi bị xoá sổ, thầy Năm Hậu lại có thể "sống khoẻ" đến thế.
Có ai đứng đằng sau "thầy" Năm Hậu?
Để hiểu rõ hơn nữa việc xử lý vi phạm với "thầy" Năm Hậu trong thời gian qua tại địa phương, PV có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Thanh Thảo, Phó trưởng Công an phường 2 (quận Phú Nhuận). Trung tá Thảo cho biết: "Nhiều năm nay, chính quyền địa phương liên tục bắt quả tang và mời bà Năm Hậu lên viết cam kết, kiểm điểm. Trước đó, vào năm 1996 bà Năm Hậu bị bắt một lần nhưng do hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội danh nào nên chỉ bị phạt hành chính mà thôi".
Được biết cách đây không lâu, chính quyền địa phương đã bắt quả tang bà Năm Hậu hành nghề và phạt hành chính 2 triệu đồng. Riêng người đàn ông trong đoạn clip mà PV báo Đời sống và Pháp luật phản ánh là một người trong hội của bà Năm Hậu. Cuối năm 2013, sau khi bà Năm Hậu bị xử phạt liên tục thì không thấy ông có mặt ở đây. Tuy nhiên, sau đó người này được cho là đã tái xuất.
Trước khi bị xử lý, "thầy" Năm Hậu đã từng lên tận Đà Lạt để hành nghề chữa bệnh. Chia sẻ những khó khăn trong quá trình bắt quả tang "thầy" Năm Hậu, một cán bộ Công an phường 2 cho hay: "Chính quyền địa phương đã nhiều lần tận mắt chứng kiến việc làm của bà Năm Hậu. Thực tế cho thấy, bà Năm Hậu lấy "phí chữa bệnh" của mọi người khá "chát". Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết và mê muội, có nhiều người dân lại đứng ra nói đỡ, bảo vệ, xin tha cho việc làm sai trái của bà Năm Hậu. Việc "cổ vũ" của người dân gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Ngoài ra, một cán bộ cảnh sát khu vực Công an phường 2 còn khẳng định: "Việc bà Năm Hậu ngộ nhận tự nghĩ mình là "thánh" ngoài nguyên nhân do thiếu hiểu biết của người dân thì một phần là do bà Năm Hậu mắc căn bệnh ảo tưởng. Có lần bị mời lên trụ sở làm việc, bà Năm Hậu nói: "Nhiều khi có giọng nói vang trong đầu tôi nói: "Cậu Vũ" đã truyền sức mạnh cho "thầy" Năm Hậu cứu đời".
Khi PV đặt ra câu hỏi liệu có ai đứng đằng sau "thầy" Năm Hậu, vị cán bộ điều tra này cho biết: "Lúc đầu, có thể bà Năm Hậu làm một mình. Nhưng về sau nhiều kẻ xấu lợi dụng bà Năm Hậu để quảng cáo, trục lợi. Tôi không nghĩ rằng một mình bà Năm Hậu có thể tự tổ chức ra tất cả những màn diễn của mình. Những lần bắt quả tang trước đó, cơ quan chức năng đã thu giữ được nhiều phương tiện quay video về việc hành nghề của bà Năm Hậu. Rất có thể, một số người đã lén lút làm việc này để tung hô cho bà Năm Hậu".
Pháp luật cần có chế tài mạnh, giải quyết triệt để Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về các quy định của pháp luật đối với hành vi mê tín dị đoan hiện nay, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Trưởng văn phòng Luật sư Quang Trung, Thành viên Hội Luật gia Châu Á cho biết: "Hiện nay, tình trạng mê tín dị đoan như: Bói toán, lên đồng... rất phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, xét về mặt văn hóa những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan chỉ bị xử phạt viết cam kết, phạt hành chính, hoặc đưa ra phê bình tại chính quyền sở tại. Xét về mặt hình sự chưa có một chế tài cụ thể nào có thể giải quyết triệt để vấn nạn này. Trừ những trường hợp người hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng, gây thương tích từ 11\% trở lên hoặc gây chết người mới bị xử phạt về mặt hình sự. Do đó, theo tôi để chấm dứt vấn nạn này cần có một chế tài răn đe cụ thể thích đáng hơn nữa". Treo băng rôn bài trừ tệ nạn Để ngăn chặn việc làm của "thầy" Năm Hậu, Trung tá Thảo chia sẻ: "Sắp tới lãnh đạo phường sẽ thực hiện đồng loạt như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền nhằm bài trừ việc chữa bệnh mê tín dị đoan trên địa bàn, để từ đó, người dân nâng cao ý thức cảnh giác với nạn mê tín, dị đoan”. |