Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Bảo tàng làng” với những món đồ “độc nhất vô nhị” khiến du khách thích thú

(DS&PL) -

Nhà truyền thống tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì là nơi lưu giữ nhiều món đồ cổ hàng trăm năm tuổi do chính người dân trong làng góp tặng.

Nhà truyền thống tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì là nơi lưu giữ nhiều món đồ cổ hàng trăm năm tuổi do chính người dân trong làng góp tặng.

Những món đồ có niên đại hàng trăm năm mà lâu nay mọi người thường thấy xuất hiện ở những bảo tàng lớn thì nay có mặt tại “bảo tàng làng” thuộc xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Nhà truyền thống xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội đi vào hoạt động năm 2019, người dân mến thương gọi là "bảo tàng làng".

Những hiện vật trong nhà truyền thống đều do nhân dân địa phương góp tặng. 

Hai năm nay, từ khi nhà truyền thống đi vào hoạt động, không gian nơi đây trở nên tập nập, đông đúc vào dịp cuối tuần, lễ Tết. Có nhiều đoàn thể, tổ chức, cơ quan, trường học đặt lịch tới tham quan với mong muốn hiểu rõ hơn quá trình phát triển lịch sử Việt Nam.

Chiếc xe đạp Hữu Nghị mà cụ Nguyễn Văn Năm - nguyên Chủ tịch xã Yên Mỹ thời kỳ 1957-1960 được Nhà nước trao tặng. 

Chiếc chum sành chứa được vài tạ thóc của gia đình ông Dạng ở xóm 9. 

Đây từng là những vật dụng thân thuộc của những hộ gia đình vào thập niên 80, 90.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng “bảo tàng làng” với PV Đời sống & Pháp luật, ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết: “Nhằm tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động và đấu tranh chống giặc ngoại xâm của thế hệ cha ông tới lớp trẻ thêm hiểu và tự hào về lịch sử nước nhà. Đó chính là lý do khiến tôi, cán bộ, viên chức cùng người dân “đồng sức đồng lòng” xây nhà truyền thống. Người dân nô nức đem đồ đạc cổ góp tặng, tạo mở một không gian lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc”.

“Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi thông báo trên loa đài, đồng thời lập những đội nhóm đến từng hộ gia đình vận động. Mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng nên nhà truyền thống đang lưu giữ những món đồ “độc nhất vô nhị”, ông Trần Quang Khánh cho biết thêm.

Ấm đất và chậu thau đồng giờ đã bạc màu theo năm tháng.

"Bảo tàng làng" có khu trưng bày về những kỷ vật chiến tranh, gợi nhắc một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng với bao đau thương, mất mát. 

Bát đũa cổ được sắp xếp gọn gàng trong tủ kính nhà truyền thống.

Những vật dụng nông nghiệp quen thuộc khi chưa có máy cày, máy kéo, máy xát...

Vật dụng để đánh bắt cá, tôm.

Không gian “bảo tàng làng” được sắp xếp khoa học, gọn gàng. Phía ngoài là sân vườn trồng cây hoa, treo bảng nội quy thông báo tới du khách. Bên trong, đồ vật được sắp xếp theo các nhóm: Đồ vật sinh hoạt trong bữa cơm gia đình, dụng cụ lao động sản xuất, đồ vật phục vụ cuộc sống, khu trưng bày kỷ vật chiến tranh, tủ kính để trang phục xưa, kệ sách phục vụ mục đích đọc…

Chiếc chảo và phích đựng nước đá.

Trước kia, khi cần thông báo việc gì, anh mõ sẽ đánh chiêng gọi cả làng.

Bát con gà có từ thế kỷ 19 và chiếc liễm gần 300 năm của gia đình bà Trần Thị Huệ (người trông coi nhà truyền thống).

Những vật dụng nhắc ta nhớ một thời khó khăn sau khi giải phóng đất nước: Phích nước Rạng Đông, bếp đun dầu, bình đựng nước...

Bà Trần Thị Huệ, 68 tuổi, người trông coi nhà truyền thống cho biết: “Hằng ngày, tôi lấy việc trông coi, vệ sinh không gian nơi đây làm niềm vui cuộc sống. Công việc tôi làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa nhất định, góp sức giữ gìn, lưu trữ những kỷ vật, hiện vật của cha ông. Gia đình tôi cũng góp một chiếc liễm cho bảo tàng. Tôi không biết chính xác chiếc liễm bao nhiêu tuổi nhưng từ khi về làm dâu, tôi đã thấy sự xuất hiện của nó. Khả năng, chiếc liễm có tuổi đời khoảng 300 năm”.

Chiếc điếu bát hút thuốc lào của cụ Thọng ở xóm 6 có tuổi đời hơn 100 năm. 

Ngắm chiếc chạn đựng bát đũa này, chắc nhiều người sẽ rưng rưng nước mắt nhớ quê hương, nhớ cha mẹ.

Đặc biệt, trong nhà truyền thống nhiều đồ vật quý hiếm. Khi tới thăm quan, mọi người đều trầm trồ trước chum sành chứa vài tạ thóc từng là vật dụng của gia đình ông Dạng ở xóm 9. Chiếc chum còn nguyên vẹn, không hề sứt vỡ, men bóng loáng. Có người sành đồ cổ hỏi mua giá hàng chục triệu nhưng gia đình ông nhất định không bán. Hay như chiếc bát có hình con gà từng được sử dụng trong bữa cơm gia đình ở thế kỷ 19 cũng được tặng lại cho “bảo tàng làng”.

Nhà truyền thống dành riêng một góc đọc cho mọi người, đặc biệt khuyến khích học sinh, sinh viên.

Bà Trần Thị Huệ, người trông coi, quét tước nhà truyền thống xã Yên Mỹ. Bà lấy công việc làm niềm hạnh phúc của tuổi già. 

Ngoài những món đồ lâu đời, cũng có những món đồ mới hơn, từng hiện diện trong các hộ gia đình cách đây từ 10 – 30 năm như: Phích nước Rạng Đông, đèn bão, máy may con bướm, cặp lồng nhôm, chạm đựng bát đũa, mâm gỗ…

“Sưu tầm được đồ vật cổ đã là chuyện khó nhưng chính quyền địa phương vận động được người dân góp tặng những đồ dùng, vật dụng ấy lại càng khó hơn nữa. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi đã làm và làm rất thành công. Chưa có một xã nào làm được như chúng tôi”, anh Nguyễn Xuân Khang, người dân sinh sống tại xã Yên Mỹ tự hào chia sẻ.

Ứng Hà Chi


Tin nổi bật