Chi phí bồi thường tăng vọt, cả năm lỗ 352 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), doanh thu thuần hoạt động kinh doanh trong 3 tháng cuối năm ghi nhận 1.321 tỷ đồng, thấp hơn 94 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư giảm 74%, chỉ còn 1,7 tỷ đồng.
Kết thúc quý IV/2022, PTI lỗ trước thuế 1.683 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021, doanh nghiệp này lãi gần 87.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại thuế, lãi ròng quý IV PTI báo âm 1.071 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2022, số liệu từ Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 cho thấy hoạt động kinh doanh của PTI vẫn có sự tăng trưởng với tổng doanh thu là hơn 5.330 tỷ đồng, tăng 3% sơ với năm 2021. Trong đó, doanh thu thuần tăng lên gần 5.153 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư giảm 77%, còn 9.126 tỷ đồng, trong khi con số này ghi nhận trong năm 2021 là gần 40.000 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm còn 160.768 tỷ đồng.
Tổng chi phí trong kỳ của PTI cũng tăng mạnh, từ 4.862 tỷ đồng lên gần 5.684 tỷ đồng (tăng 17%).
Doanh thu không bù lại được chi phí khiến Bảo hiểm Bưu điện lỗ trước thuế 351 tỷ đồng và hơn 352 tỷ đồng lỗ sau thuế năm 2022. Trong khi năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế của doanh nghiệp lần lượt là 328 tỷ đồng và hơn 257 tỷ đồng.
Giải trình từ PTI cho khoản lỗ 352 tỷ đồng trong năm tài chính 2022.
Như vậy, PTI không hoàn thành kế hoạch có lãi 260 tỷ đồng được đề ra, dù con số này đã giảm 22% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp bảo hiểm này ghi nhận thua lỗ kể từ khi niêm yết.
Theo giải trình từ phía PTI, nguyên nhân dẫn việc đến PTI báo lỗ 352 tỷ đồng là do lợi nhuận của Công ty mẹ là Tổng Công ty Cổ phần Bưu điện giảm so với năm trước.
Tại Giải trình báo cáo tài chính riêng, PTI cho biết trong năm 2022, PTI phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững tâm an” số tiền 353 tỷ đồng.
Đây là gói bảo hiểm tai nạn được triển khai từ giữa năm 2021, có kèm theo chương trình hỗ trợ dịch bệnh. Số trợ cấp nằm viện cho người nhiễm COVID-19 từ vài triệu đến 120 triệu đồng, tùy mức phí tham gia. Đối với người đóng bảo hiểm đã tiêm vaccine, gói này sẽ chi trả gấp đôi. Đáng chú ý, nhiều báo đã phản ánh gói bảo hiểm này nhận nhiều phản hồi kém tích cực do chậm chi trả tiền bồi thường.
Ngoài ra, năm 2022 cả nước đã duy trì tình trạng bình thường mới với dịch bệnh COVID-19, theo đó chi phí bồi thường của PTI tăng mạnh so với cùng kỳ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh. Tổng chi bồi thường bảo hiểm năm 2022 tăng 747 tỷ đồng, tương đương đương tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Về tài sản, PTI ghi nhận 8.385 tỷ đồng, giảm 176 tỷ đồng (tương đương 2%) so với thời điểm đầu năm bao gồm 7.282 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 1.103 tỷ đồng tài sản dài hạn. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 8% về mức 140 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt khá cao ở mức hơn 3.755 tỷ đồng. Hàng tồn kho tính đến thời điểm cuối năm của PTI là hơn 5,9 tỷ đồn, gấp 3,2 lần so với hồi đầu năm.
Nợ phải trả chủ yếu là dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, đạt 5.275 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.
Đến nay, PTI vẫn chưa đưa ra thông tin gì về kế hoạch kinh doanh năm 2023. Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của PTI trong năm 2023 sẽ được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, dự kiến tổ chức vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới đây.
2 lần bị phạt vì vi phạm về thuế
Mới đây, ngày 22/3, Cục Thuế TP.Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán: PTI), do doanh nghiệp này đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng phải nộp ngân sách Nhà nước của năm 2018 là hơn 1,05 tỷ đồng.
Theo đó, Bảo hiểm Bưu điện phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu năm 2018 là hơn 60,6 triệu đồng và thuế giá trị gia tăng thiếu năm 2018 là hơn 989,4 triệu đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm Bưu điện phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế hơn 63 triệu đồng. Số tiền chậm nộp tiền thuế nêu trên được tính đến hết ngày doanh nghiệp nộp đủ tiền vào ngân sách Nhà nước (đơn vị đã nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thu hơn 60,6 triệu đồng ngày 13/8/2019, nộp tiền thuế giá trị gia tăng tăng thu hơn 989,4 triệu đồng ngày 12/9/2019).
Như vậy, tổng số tiền thuế tăng thu, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 1,323 tỷ đồng. Sau khi bù trừ với số tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp thì doanh nghiệp phải nộp tổng số tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 273 triệu đồng.
Trước đó, ngày 28/10/2022, Bảo hiểm Bưu điện cũng từng bị Cục thuế TP.Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương tự.
Cụ thể, Theo đó, về thuế GTGT, Bảo hiểm Bưu điện đã xuất sai thuế suất, xuất chậm hóa đơn quà tặng, kê khai khấu trừ hóa đơn mua vào của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Công ty đã hạch toán không đúng quy định chi phí hóa đơn mua vào giá vốn, các khoản chi phí không có đủ hồ sơ hóa đơn theo quy định.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, Công ty đã tăng thuế đối với các cá nhân có nhiều nguồn thu nhập ủy quyền quyết toán không đúng cho đơn vị, khấu trừ thiếu thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn.
Về thuế nhà thầu, đơn vị này xác định sai tỷ lệ thuế phải nộp.
Theo Quyết định này, tổng số tiền truy thu thuế, tiền phạt và chậm nộp là hơn 4,3 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 4 tháng, Bảo hiểm Bưu điện đã có tới 2 lần bị Cục thuế réo tên vì vi phạm hành chính thuế, với số tiền truy thu thuế, tiền phạt và chậm nộp lên tới hàng tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, giai đoạn cuối năm 2022, cổ phiếu PTI là trường hợp đặc biệt khi tăng nóng trong bối cảnh thị trường chứng khoán tê liệt. Tại ngày 26/12/2022, giá trị cổ phiếu PTI tăng lên 49.900 đồng, khối lượng giao dịch trong ngày đạt 180.046 cp.
Tuy nhiên, đà tăng của PTI chỉ duy trì được đến đầu năm 2023 rồi từ từ xuống dốc. Kết thúc phiên chiều 28/3, cổ phiếu PTI ở mức 33.500 đồng/cp.
Vân Anh