Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bao giờ mới di dời nhà máy Rạng Đông?

(DS&PL) -

Sau vụ cháy hồi tháng 9/2019, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Công ty Rạng Đông di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.

Sau vụ cháy hồi tháng 9/2019, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Công ty Rạng Đông di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới. Thế nhưng, hơn 1 năm trôi qua, nhà máy này vẫn chưa đưa di dời mà vẫn hoạt động, khiến người dân xung quanh luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng.

Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi xảy ra vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông, song có lẽ đến thời khắc này, người dân Hạ Đình vẫn chưa thể nào quên được những giây phút “kinh hoàng” ấy. Vụ cháy tại nhà kho của công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) hồi tháng 8/2019 đã gây ra thiệt hại hơn 150 tỷ đồng. Trong số đó, sản phẩm bóng đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact là 1,6 triệu chiếc.

Không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, vụ cháy này còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Cụ thể theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thuỷ ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy khoảng 15,1 kg – 27,2 kg. Đặc biệt, trong số các hoá chất phát tán ra môi trường có chất chứa thuỷ ngân lỏng. Chất này có độc tính cao hơn viên Amalgam, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến  đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình nhiễm độc tại khu vực nhà máy Rạng Đông, các lực lượng Binh chủng Hoá học và Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, lực lượng thoát nước và môi trường của Hà Nội thời điểm đó đã phối hợp tiến hành xử lý sự cố ô nhiễm bằng việc thu gom, nạo vét, tẩy độc.

Nhờ vậy mà, đến thời điểm hiện tại, điều kiện môi trường xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông đã trở về mức an toàn. Tuy nhiên, phần lớn người dân sống quanh khu vực này đều có cảm giác lo lắng, bất an.

Bên cạnh công tác khắc phục sự cố, UBND TP. Hà Nội còn yêu cầu công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông phải tiến hành thủ tục di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quyết định số 130/QĐ-TTG ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo quan sát của PV, nhà máy Rạng Đông vẫn đang hoạt động bình thường và không có bất cứ động thái di dời nào.

Nhà máy Rạng Đông vẫn tiếp tục hoạt động tại địa chỉ 87-89 Hạ Đình.

Theo chia sẻ của chú Nguyễn Hồng Minh – người dân sống tại địa chỉ 43/85 Hạ Đình: “Thời điểm mới xảy ra sự cố này, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên lực bất tòng tâm, người dân vẫn phải bám trụ mà sống”.

“Dù cho mọi hoạt động sinh hoạt đã trở lại bình thường nhưng người dân sống quanh khu vực này vẫn lo lắng một ngày nào đó sự việc này sẽ lại tái diễn thêm một lần nữa. Bởi, hiện tại nhà máy vẫn tiếp tục đang hoạt động và không có bất cứ động thái nào cho việc dời đi. Thậm chí, từ sau đợt dịch covid-19, nhà máy này còn hoạt động mạnh hơn” – chú Minh chia sẻ thêm.

Cùng với đó, Chị Hương – người bán hàng ngay cổng nhà máy Rạng Đông cho biết: “Thời gian mới xảy ra vụ cháy, mọi thứ được làm rất quyết liệt, yêu cầu di dời nhà máy sang địa điểm khác. Tuy nhiên, đến nay, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn rầm rộ hơn. Khu vực cháy đến nay đã được sơn sửa để làm nhà kho chứa hàng”.

Nhà xưởng nơi xảy ra vụ cháy đã được sơn sửa.

Trong khi đó, bà Cao Thị Thôn - người dân sống tại khu chung cư 54 Hạ Đình lại bức xúc chia sẻ: “Mặc dù người dân thắc mắc, thậm chí là làm đơn kiện nhưng nhà máy này vẫn chưa dời đi. Bản thân tôi nói riêng và người dân xung quanh đây nói chung đều mong muốn công ty này di dời càng sớm càng tốt”.

Như vậy, có thể thấy rằng, nhà máy Rạng Đông vẫn ngang nhiên hoạt động và không hề có bất cứ động thái nào cho việc di dời dù đã có yêu cầu của UBND TP. Hà Nội. Hiện, câu hỏi bao giờ nhà máy di dời đến địa điểm mới vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ và phương án rời đi nơi khác, sử dụng đất trên nền của nhà máy này vẫn là một câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi.

Trong khi vẫn chưa tìm được phương án giải quyết dứt điểm, người dân vẫn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ chẳng biết đến bao giờ mới được tháo gỡ.

Trần Yến

Tin nổi bật