Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Báo động "đỏ" vấn nạn học sinh sử dụng hung khí thanh toán nhau

(DS&PL) -

Thời gian gần đây, nạn bạo lực học đường bùng phát nghiêm trọng, liên tiếp những vụ học sinh "thanh toán" nhau theo kiểu băng nhóm xã hội đen gây bức xúc trong dư luận.

Thời gian gần đây, nạn bạo lực học đường bùng phát nghiêm trọng, liên tiếp những vụ học sinh "thanh toán" nhau theo kiểu băng nhóm xã hội đen gây bức xúc trong dư luận.

Hàng trăm cảnh sát khống chế 2 nhóm hỗn chiến bằng hung khí

Theo tìm hiểu cua PV báo ĐS&PL, vụ việc xảy ra khoảng 19h30 ngày 5/1, tại khu vực siêu thị Metro thuộc phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xuất hiện hàng trăm thanh thiếu niên điều khiển xe máy độ chế và mang theo nhiều hung khí tụ tập chuẩn bị đánh nhau.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an TP.Buôn Ma Thuột đã có mặt tại hiện trường, tổ chức vây bắt được 28 đối tượng. Bên cạnh các đối tượng bị bắt giữ, một số đối tượng khác khi phát hiện đã vứt bỏ hung khí rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường.

Lực lượng công an tại hiện trường sự việc. Ảnh: VTC News

Tại hiện trường xảy ra sự việc, lực lượng công an thu giữ nhiều hung khí có tính sát thương cao như kiếm Nhật, côn nhị khúc, mã tấu, dao phay, rựa phát rẫy loại lớn... cùng khoảng 30 xe máy độ chế của 2 nhóm này bỏ lại.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với báo chí, Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Công an TP.Buôn Ma Thuột, cho hay, các đối tượng bị bắt giữ chủ yếu là học sinh. Về nguyên nhân vụ hỗn chiến, theo Thượng tá Tuấn, dựa vào kết quả xác minh ban đầu, phần lớn các đối tượng là học sinh 2 trường THPT Buôn Ma Thuột và THPT Chu Văn An. Hai nhóm học sinh này đã xảy ra mâu thuẫn khi nợ nần nhau mấy trăm ngàn đồng nên hẹn ra đánh nhau.

Các đối tượng hỗn chiến ở khu vực siêu thị Metro thuộc phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết kết quả kiểm tra có 4 đối tượng dương tính với chất ma túy. Đây là các đối tượng đã nghỉ học. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.

Vụ việc trên không phải hi hữu. Thời gian gần đây, số vụ học sinh tham gia hỗn chiến, thanh toán nhau vì mâu thuẫn diễn ra khá phức tạp.

Trước đó, ngày 10/6, Công an huyện Krông Năng (Đắk Lắk) triệu tập 21 học sinh của các trường trên địa bàn huyện lên làm việc để làm rõ hành vi đánh trọng thương một học sinh khác. Nhóm học sinh này do Hoàng Ngọc T. (15 tuổi) học sinh lớp 9 trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cầm đầu. Nạn nhân được xác định là Hoàng Minh Q. (15 tuổi) học cùng trường.

Theo điều tra, quá trình đi học, T. thấy Q. quen người con gái khác nên kể lại cho người yêu của Q. nghe. Sau khi biết chuyện, ngày 13/3, Q. gặp T. ở sân trường rồi đấm một cái vào bụng. Tối cùng ngày, cả hai lên mạng xã hội nhắn tin rồi thách thức nhau.

Hai ngày sau, T. rủ thêm 20 học sinh khác, trong đó có 18 em đang là học sinh lớp 9, 1 em học sinh lớp 10 và 1 em học sinh lớp 11 của các trường trên địa bàn huyện mang theo kiếm, tuýp sắt, côn nhị khúc, bình xịt hơi cay đến trường THCS Trần Phú tìm Q. để đánh. Lúc này, nhóm của Q. chỉ có 4 người. Hai nhóm kéo nhau ra khỏi cổng trường, rồi cầm hung khí lao vào hỗn chiến.

Hậu quả của trận hỗn chiến khiến Q. bị nhóm của T. đánh, chém đa chấn thương, đứt ngón 2 và đứt gân duỗi ngón 3 của bàn tay phải với tỉ lệ thương tật 16%... Công an huyện Krông Năng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Cao Chánh T. và Nguyễn Việt Q. trong nhóm của T. về tội Cố ý gây thương tích (cả hai đã trên 16 tuổi). Những em còn lại dưới 16 tuổi nên Công an đang củng cố hồ sơ để có hình thức xử lý theo quy định.

Gia tăng vụ việc học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực

Tại TP.HCM, thời gian gần đây, nhiều vụ học sinh đánh nhau xảy ra trên địa bàn khiến dư luận bức xúc. Ngày 21/10, một số học sinh của trường THPT Marie Curie, THPT Nguyễn Thị Diệu và THPT Lê Trọng Tấn, TP.HCM chém nhau vì mâu thuẫn cá nhân. Vụ ẩu đả khiến 2 học sinh trường THPT Marie Curie bị thương, phải nhập viện.

Ngày 22/10, hai học sinh lớp 11 trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, kéo lê một bạn nữ cùng trường khiến em này bị thương. Nạn nhân bị xuất huyết kết mạc mắt trái, chấn thương giập nhãn cầu N2, khuỷu tay phải và đầu gối bị trầy xước. Cùng ngày, 2 nữ sinh trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP.HCM) túm tóc, ẩu đả ngay trước cổng trường vào giờ tan lớp. Thậm chí, học sinh còn cổ vũ cho 2 bạn nữ, không cho người khác can ngăn.

Trước thực trạng này, ngày 7/11, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn tới sở GD&ĐT TP.HCM trước tình trạng học sinh trên địa bàn đánh nhau ngoài trường học. Theo đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm giao sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình và chỉ đạo các trường học cần có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm.

Từ những vụ việc trên, một chuyên gia tâm lý nhận định, bạo lực học đường ngày càng tăng là do các em thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Các em có biểu hiện ban đầu về rối nhiễu hành vi. Việc giáo dục học sinh không thể "khoán trắng" cho nhà trường mà gia đình, xã hội cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục và ngăn chặn. Nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực học đường là do cách giáo dục của gia đình.

Bên cạnh đó, nhà trường vẫn chưa thật sự chú trọng giáo dục các em làm người mà chỉ chú trọng đến việc dạy chữ. Môi trường xã hội hiện nay cũng làm cho các em bị ảnh hưởng. Game bạo lực, sách vở trôi nổi... dẫn đến việc rối nhiễu hành vi của các em. Để giải quyết vấn đề này cần phải dạy các em về nhân cách con người, về cách ứng xử, dạy các em định hình về lối sống, định hình hành vi, thực hành xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa pháp luật vào trong chương trình giảng dạy để các em hiểu rằng đánh nhau là vi phạm pháp luật. Giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm hơn nữa đến những học sinh cá biệt. Có thể trò chuyện tâm tình cùng các em để tháo gỡ những vướng mắc trong lòng. Thầy cô luôn động viên và khuyến khích các em cùng cố gắng. Những lời tâm sự của thầy cô sẽ giúp các em có những hành vi chuẩn mực.

Nhà trường cần tổ chức các chuyên đề giáo dục đạo đức học sinh để tất cả các giáo viên cùng tham dự. Khi giảng dạy, giáo viên cần lồng ghép việc giáo dục đạo đức cho các em. Bên cạnh đó, trường cũng có thể đề ra một số hình phạt nặng cho những học sinh đánh nhau. Chẳng hạn như đi lao động công ích, hay buộc thôi học một năm (nếu cần)...

Cha mẹ hãy quan tâm đến con em mình hơn nữa. Chúng ta không đổ tất cả trách nhiệm lên đầu ngành Giáo dục được. Gia đình luôn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ tốt nhất. Trong gia đình, cha mẹ luôn là tấm gương sáng để con noi theo.

Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hơn nữa để thu hút thanh thiếu niên. Công việc này có thể giao cho Đoàn thanh niên, trung tâm Giáo dục cộng đồng... Hãy tổ chức các chương trình có ý nghĩa cộng đồng để thu hút các em cùng tham gia. Như vậy để khắc phục tình trạng trên, cần sự chung tay của tất cả mọi người, trong đó, gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng. Tương lai của các em, cuộc sống của các em rất cần đến sự giúp đỡ của tất cả chúng ta.

Nhóm PV

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 4

Tin nổi bật