Đội giá hàng tỷ đồng, chưa rõ nguyên nhân
Trong buổi thảo luận về công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, liên quan đến hoạt động đấu thầu, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn từng chỉ ra 5 chiêu trò phổ biến. Một trong 5 chiêu trò đó là thực trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu.
Đại biểu nêu rõ, từ các vụ án vừa qua cho thấy, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình, chỉ khi đi sâu vào phá án thì mới phát hiện được sự móc ngoặc một cách tinh vi giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu đã thổi giá tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thông qua các chứng thư thẩm định.
Rất nhiều vụ án khác liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian vừa qua đã phải khởi tố, tuyên án phạt tù cả với các thẩm định giá, với vai trò là đồng phạm. Tuy nhiên, cũng có thể thấy pháp luật đã trao cho tổ chức thẩm định giá chức năng quá lớn, trong khi các quy định về hậu kiểm kết quả thẩm định còn rất hạn chế.
Mới đây, theo nghiên cứu tìm hiểu của PV, vào tháng 10/2022, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP.Hà Nội đã ra Quyết định số 328/QĐ-BQLDADD phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 26: Mua sắm điều hòa không khí (bao gồm cả điều hòa phòng mổ) dự án Nâng cấp bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín (giai đoạn 1).
Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh công ty CP Tập đoàn Nagakawa và công ty CP Xây dựng kỹ thuật SH Việt Nam. Gói thầu có giá dự toán 28.545.058.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi tám tỷ, năm trăm bốn mươi lăm triệu, không trăm năm mươi tám nghìn đồng), giá trúng thầu là 28.229.386.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi tám tỷ, hai trăm hai mươi chín triệu, ba trăm tám mươi sáu nghìn đồng), tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 315.672.000 đồng, đạt tỉ lệ 1,1%.
Đáng nói, theo tài liệu phóng viên có được, so với giá sản phẩm trên thị trường cùng chủng loại, cùng thông số kỹ thuật, đơn giá một số mã hàng trong gói thầu lại có hiện tượng đội cao hơn rất nhiều.
Điển hình có thể kể đến, Dàn lạnh loại Casstte đa hướng thổi 5,6Kw (FXFQ50AVM, Daikin) có đơn giá tại gói thầu là 22.449.000 đồng/máy. Tuy nhiên, giá khảo sát thị trường bao gồm cả VAT và chi phí vận chuyển của dàn lạnh này lại là 14.759.800 đồng/máy, tức mức chênh lệch 7.689.200 đồng/máy. Với số lượng 48 máy, tổng số tiền chênh lệch là 369.081.600 đồng.
Tương tự, dàn lạnh loại Casstte 4 hướng thổi nhỏ gọn 3,6 kW (FXZQ32AVM, Daikin) có đơn giá tại gói thầu là 19.655.000 đồng/máy, song giá trên thị trường hiện ở mức 12.923.900 đồng/máy. Tổng số tiền chênh lệch của 50 máy là 336.555.000 đồng.
Dàn lạnh điều hoà không khí cho phòng sạch FFU-7,1kW (FXBQ63PVE, Daikin) có đơn giá tại gói thầu là 147.791.000 đồng/máy. Tuy nhiên, sản phẩm này đang được bán trên thị trường với mức giá 97.172.900 đồng/máy. Với số lượng 6 máy, tổng số tiền chênh lệch là 303.708.600 đồng.
Tổ hợp dàn nóng biến tần, R410A, 1 chiều lạnh loại giải nhiệt gió 50HP (RXQ50AMYM(được ghép bởi: 02 dàn RXQ18AYM) + 01 dàn RXQ14AYM), Daikin) có đơn giá tại gói thầu là 671.288.000 đồng/tổ. Song thực tế, báo giá của một siêu thị điện máy chuyên cung cấp điều hòa VRV thì tổ hợp điều hòa này có giá 441.375.000 đồng, chênh lệch 229.913.000 đồng.
Qua khảo sát 46/67 mã hàng được mua sắm trong gói thầu số 26, dấu hiệu đội giá cao hơn giá thị trường khoảng 5.491.541.600 đồng (Bằng chữ: Năm tỷ, bốn trăm chín mươi mốt triệu, năm trăm bốn mươi mốt nghìn, sáu trăm đồng).
Trao đổi với PV về các thông tin PV nêu trong bài viết, đại diện ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP.Hà Nội cho biết: “Tại thời điểm thực hiện gói thầu, chúng tôi gửi yêu cầu các hãng (ví dụ Daikin) cung cấp giá, chứ không lấy giá từ các đơn vị thông thường hoặc là đại lý cung cấp. Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng giá dự toán để chào thầu và các nhà thầu tham dự thầu tự quyết định giá để chào thầu”.
Về cơ sở xây dựng và phê duyệt giá dự toán, vị đại diện nói: “Đơn vị có thẩm tra nhưng trên cơ sở là báo giá của hãng là đơn vị cuối cùng”.
“Ở đây có nhiều khía cạnh, với đơn vị báo giá của hãng, bao giờ họ cũng có chiết khấu cho khách hàng. Vấn đề này, chúng tôi chỉ nhận báo giá, còn chiết khấu ai mua, làm việc với hãng, còn thực tế chúng tôi không làm rõ phần chiết khấu đó”, vị này giải thích thêm và khẳng định: “Về trình tự, chúng tôi làm đúng”.
Liên quan đến chênh lệch giá sản phẩm trong gói thầu cao hơn nhiều giá thị trường, vị đại diện cho rằng “thực ra rất khó”.
“Các bạn có thể tìm hiểu giá trên cơ sở hỏi công ty, đại lý… Còn tính chính xác giá sản phẩm khi vào cụ thể dự án phải là khi ký hợp đồng với nhau.
Doanh nghiệp làm dự án còn phải tính đến các chi phí nhập khẩu, lưu kho bãi, vận chuyển… chứ không phải mua sản phẩm ngoài thị trường rồi về lắp. Sản phẩm vào dự án cũng sẽ được hãng bảo trợ. Từ đó dẫn đến chênh lệch giá ngay cả ở các siêu thị. Đó là điều không tránh khỏi”.
Để đội giá thầu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm ra sao?
Nhằm hạn chế khả năng gây thất thoát ngân sách Nhà nước, công tác đấu thầu mua sắm tài sản công dù đã được quy định khá chặt chẽ bởi hệ thống pháp lý song thực tế vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.
Nhận định về thực trạng này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông luật, đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), cho biết: Hành vi vi phạm trong đấu thầu diễn ra rất phức tạp, ở nhiều lĩnh vực với các thủ đoạn như thông thầu, gian lận trong đấu thầu, chuyển nhượng thầu trái phép, hiện tượng lợi ích nhóm, bao che cho hành vi tiêu cực, cản trở nhà thầu lạ, thông thầu….
“Để bảo đảm môi trường đấu thầu thật sự minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế, luật sư Bình cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý công tác đấu thầu tại cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu là chủ đầu tư, bên mời thầu đối với hiệu quả công tác đấu thầu và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận”, luật sư Bình phân tích.
Theo các chuyên gia, đấu thầu là quá trình chủ đầu tư (bên mua) lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để các nhà thầu cạnh tranh nhau. Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu để giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận.
Giá trúng thầu không chỉ là giá bán sản phẩm mà còn bao gồm nhiều chi phí khác như: thuế, vận chuyển, lắp đặt và lợi nhuận…Tuy nhiên, trong trường hợp giá đấu thầu quá cao so với giá nhập khẩu, giá thị trường thì rõ ràng cần xem xét.
Cụ thể hơn, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối) đặt vấn đề: Nếu có căn cứ xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá có làm đúng hay không? Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh như: giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…
“Trong trường hợp có căn cứ giá đấu thầu cao hơn thực tế, cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Tuỳ theo mức độ vi phạm, người phạm tội có có thể đối diện với các mức án khác nhau, mức phạt cao nhất (gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên) có thể đối diện án phạt tù đến 20 năm”, vị luật sư cho hay.
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1274/QĐ-UBND, thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá-xã hội Thành phố Hà Nội.
Dương Thu - Ngọc Bảo