Nạn buôn bán người và trào lưu tha hương đang khiến nhiều bản làng ở Nghệ An vắng bóng phụ nữ và đẩy những đứa trẻ vào chốn bơ vơ.
Những mái nhà vắng bóng người ở Lưu Thắng |
Mẹ đi Trung Quốc lấy chồng, cậu bé 6 tuổi này đang được ông nội cưu mang |
Thiếu nữ tha hương
Nắng đầu mùa như dội lửa xuống những nóc nhà sàn nằm cheo leo bên sườn núi ở bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Gần 11h trưa, con đường nhựa chạy qua bản hiu quạnh, lặng lẽ. Lâu lâu mới thấy thấp thoáng vài bóng người già và trẻ con qua lại. Trưởng bản Lưu Thắng, Cụt Thanh Sơn thở dài nói con gái học xong cấp 2 là bỏ đi hết rồi, đàn ông cũng đi xa làm ăn. Lưu Thắng có 120 hộ dân người Khơ Mú nhưng có 51 phụ nữ bỏ bản đi làm ăn, trong đó có 46 thiếu nữ và 5 người đã có chồng. Nhiều người đi biền biệt 2 - 3 năm không thấy về. “Họ đi sang Trung Quốc lấy chồng rồi”, ông Sơn nói.
Chị Moong Thị Nguyền ngồi thẫn thờ, đầy lo âu khi nhắc đến cô con gái Cụt Thị Khăm bỏ nhà đi đã 3 năm nay không rõ tung tích. “Hôm đó vợ chồng tui ngủ dậy thì con Khăm đã đi rồi. Từ đó đến nay nó không liên lạc gì về nhà”, chị Nguyền kể. Ông Moong Phò Hạnh, ông ngoại của Khăm, kể khi đi Khăm mới 17 tuổi và “chắc chắn là đã sang Trung Quốc rồi vì nếu không nó cũng đã gọi điện về nhà”. “Năm ngoái nghe dân bản nói có đứa đi Trung Quốc và bị chết ở bên đó nhưng không rõ họ tên khiến chúng tôi rất lo”, ông Hạnh nói.
Cách nhà chị Nguyệt vài nóc nhà sàn là căn nhà của gia đình ông Cụt Văn Song. Ông Song buồn bã khi nhắc đến chuyện cả con gái lẫn con dâu của ông đã sang Trung Quốc lấy chồng và ở luôn bên đó. Ngày 13/4/2013, Cụt Thị Mi (19 tuổi), con gái ông theo người trong xã rủ đi vào miền Nam làm công nhân, lương cao. Mấy tháng sau, ông nhận được điện thoại của con gái gọi về từ Trung Quốc nói đã bị lừa bán cho một người đàn ông bên đó. “Nó nói rằng sau khi lên xe, nó bị người dẫn đi cho uống thuốc và tiêm thuốc để "khỏi say xe". Sau đó, nó mê man không biết gì nữa và khi tỉnh dậy thì đã bị đưa sang Trung Quốc rồi”, ông Song kể. Ông Song sau đó đã làm đơn trình báo công an, tố cáo người bán con gái ông nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. 4 năm trước, con dâu ông là chị Moong Thị Đức theo người lạ rủ đi làm ăn rồi cũng bị đưa sang Trung Quốc ép lấy chồng, bỏ lại cho chồng đứa con trai mới 2 tuổi.
Năm 2013, Công an huyện Kỳ Sơn phát hiện 7 vụ buôn người sang Trung Quốc, bắt 9 nghi phạm để điều tra. Hầu hết các vụ buôn người sang Trung Quốc bị công an phát hiện, nhiều thủ phạm từng là nạn nhân, sau đó quay về quê để lừa bán những thiếu nữ khác, thậm chí lừa bán cả người thân. Công an đã giải cứu 15 người bị bán sang Trung Quốc và 12 người sau khi bị bán thì tự trở về. Tại huyện Tương Dương (giáp huyện Kỳ Sơn), công an huyện cho biết, hiện có 1.216 người bỏ bản làng đi làm ăn xa, chủ yếu là nữ, trong đó có 476 người đi Trung Quốc. |
Cách Lưu Thắng chừng dăm cây số là bản La Ngan. Nhiều thiếu nữ ở đây cũng “đi làm ở công ty” rồi bị mất tích. Năm 2003, có 3 thiếu nữ của bản là Moong Thị Giang (16 tuổi) và Cụt Thị Khôi, Lương Thị Khăm (cùng 17 tuổi) được người lạ đưa đi “làm công nhân lương cao” nhưng sau đó cả ba bị bán sang Trung Quốc và hiện vẫn chưa biết số phận thế nào.
Con trẻ bơ vơ
Trên người nổi đầy những nốt đỏ ửng, thằng bé 6 tuổi cháu nội trưởng bản Cụt Thanh Sơn vẫn đầu trần, chân đất chơi giữa trời nắng như đổ lửa. Ông Sơn bảo thằng bé đang bị sởi. Cha nó đi rừng, còn mẹ nó bỏ bản đi 4 năm rồi. Năm ngoái mẹ nó bất ngờ về thăm nhà, nói đã lấy chồng và có một đứa con bên Trung Quốc, mấy ngày sau lại đi.
Trưởng bản Cụt Thanh Sơn cho hay từ năm 2010 đến nay, ở bản này có 5 phụ nữ đã có chồng con bỏ sang Trung Quốc lấy chồng. Thương tâm nhất là hoàn cảnh của anh Lương Văn Năm. Năm 2010, vợ anh Năm là chị Lương Thị Hoa vì nghèo đói, chồng bệnh tật nên bỏ lại 3 đứa con nhỏ cho chồng rồi sang Trung Quốc. Sau khi vợ bỏ đi, anh Năm chết vì bệnh và buồn phiền, 3 đứa con lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất mới 6 tuổi sau khi cha chết cũng bỏ bản đi đâu không ai rõ.
6 tuổi, bé Moong Thị Quyên (ở bản La Ngan) bé như cái kẹo, đôi mắt ngơ ngác vô hồn đứng nép bên cửa nhà hàng xóm khi thấy người lạ đến. Người hàng xóm này kể, năm ngoái, mẹ của Quyên là Cụt Thị Thâm đã bỏ đi đâu không rõ, hơn một năm rồi vẫn chưa về, nghe đâu đã sang Trung Quốc lấy chồng. Chị Thâm bỏ nhà ra đi, để lại 3 đứa con thơ dại, đứa út mới hơn 1 tuổi. Người cha của 3 đứa trẻ này sau đó cũng bỏ bản đi làm ăn lâu lâu mới về. Ba đứa nhỏ, một gửi về bên ngoại ở xã Bảo Nam, hai đứa còn lại nương tựa ông bà nội. Một người dân bản La Ngan nói trong bản này có 4 phụ nữ đã lập gia đình nhưng bỏ lại chồng con để “đi làm ăn”, lâu rồi vẫn chưa về và khả năng là “đã sang Trung Quốc”.
Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu Moong Văn Đoàn cho biết, cả xã hiện có hơn 200 người bỏ bản đi làm ăn xa, trong đó có khoảng 60 người ra nước ngoài. Số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc đã xác định được là gần 20 người, số còn lại chưa biết đang ở đâu. Trào lưu đi làm ăn xa, nhất là bị lừa sang Trung Quốc lấy chồng xuất phát từ sự nghèo đói. Người dân ở đây bám lấy nương rẫy, nhưng nương rẫy không nuôi được họ. Những thiếu nữ lớn lên không muốn theo cha mẹ mang gùi vào rẫy nên rủ nhau ra đi và nhiều em đã bị lừa bán.
Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng công an huyện Kỳ Sơn thừa nhận, rất khó để ngăn chặn triệt để nạn buôn người sang Trung Quốc khi thanh thiếu niên ở huyện biên giới này luôn đối mặt tình trạng không có việc làm. Công an đã làm đủ cách, đến từng nhà dân vận động, nhưng nhiều người nói không cho con đi thì biết làm gì sinh sống. Khi những thiếu nữ thật thà, cả tin và chưa hề có kỹ năng ứng phó với nạn lừa đảo bước chân ra khỏi bản làng thì nguy cơ sập bẫy bọn buôn người là rất khó tránh khỏi.