(ĐSPL) - Đã hơn 30 năm qua, các sư thầy ở chùa Vạn Thọ (đường Hoàng Sa, quận 1, TP.HCM) vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu về các phương thuốc bí truyền chữa bệnh xương khớp cho những người nghèo khó.
Hòa thượng Thích Thanh Sơn (SN 1929, quê gốc Tiền Giang) trụ trì chùa Vạn Thọ, cũng là chủ phòng khám “Trật đả cốt”, lớn lên trong thời chiến loạn lạc, nghèo khó. Bởi thế, thầy hiểu rõ “Nhân thế thê lương” trong thời kì này, và dặn lòng mình phải cố gắng tận lực giúp dân, giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh.
Thời còn nhỏ, thầy sớm có những sở thích khác tụi trẻ con đồng lứa: “Thích vào chùa chơi, thích ở trong chùa, thích ăn cơm chùa, thích đọc kinh”. Cậu bé khi đó thường đi từ thiện với các thầy trong chùa, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của người nghèo, niềm hạnh phúc của họ khi được dang tay giúp đỡ và ấp ủ được quy y cửa Phật để có thể giúp đời bằng tất cả khả năng của mình cứ thế lớn lên.
Ban đầu, thầy tu ở chùa Phúc Hòa (Tiền Giang), sau một thời gian, thầy theo sư phụ hòa thượng Thích Thiện Tường về chùa Vạn Thọ (TP.HCM). Đến năm 1980, phòng khám “trật đả cốt” được thành lập, cũng là thời điểm thầy được sư phụ đề cử làm trụ trì trong chùa.
Do diện tích ngôi chùa có hạn nên diện tích phòng khám chỉ chừng 50m2, không gian yên tĩnh, thoáng đãng – một nơi dưỡng bệnh tốt cho người nghèo. Bên cạnh Hòa thượng Thích Thanh Sơn còn có hai lương y Đức Nguyên và Đức Hòa trợ giúp.
Lương y Đức Nguyên tâm sự: “Thường các bệnh nhân chủ yếu là công nhân nghèo tại các khu xí nghiệp gần đây. Họ đi làm xa lại phải làm nhiều công việc tay chân nặng nhọc, dễ bị trật đả, bong gân. Chi phí chữa trị khá tốn kém, nên họ ngại đi khám chữa bệnh, một số người cam chịu, nhẫn nhịn chịu đau. Nhiều người không có điều kiện nằm viện nên tìm đến đây chữa bệnh. Chỉ mong bài thuốc, phương pháp chữa bệnh của chúng tôi mang lại hiệu quả tốt nhất, giảm bớt cơn đau trên những con người lam lũ ấy”.
Được biết, hằng ngày phòng khám chữa trị trung bình từ 60 đến 70 bệnh nhân. Mọi người liên tục xếp hàng mong chờ được khám, chữa bệnh. Chữa khỏi bệnh cho một người dù có vất vả đến đâu cũng xứng đáng với công sức bản thân bỏ ra. Phương châm của phòng khám là luôn tận tình chữa trị, vui vẻ với bệnh nhân để xóa đi phần nào cơn đau mà họ đang gánh chịu. Có như vậy, công việc mới có ý nghĩa thực sự.
Bài thuốc bí truyền chữa bệnh miễn phí hơn 30 năm qua
Trụ trì Thích Thanh Sơn không ngần ngại chia sẻ bí quyết, phương thuốc có tại phòng khám. Đặc biệt là bài thuốc nức tiếng chữa các bệnh trật đả cho người dân gần 30 năm qua. Thầy Sơn nói: “Bài thuốc chữa trật đả có từ đời hòa thượng Thiện Thông (sư phụ của thầy Thích Thanh Sơn). Sau khi có duyên gặp gỡ, người thấy tôi giàu đam mê, nhiệt huyết lại có duyên với Đông y nên đã truyền đạt lại hết những bí quyết cho tôi. Thành phần chính của bài thuốc trên chủ lực là cây nga truật. Cộng thêm các loại thảo dược chuyên trị về bệnh xương khớp khác tạo nên.”
“Trong bài thuốc bí truyền đó, cây nga truật có tầm quan trọng rất lớn và không thể thay thế được. Khi ấy, tôi phải bắt xe từ Sài Gòn đi các tỉnh lân cận đào bới từng ngọn núi, ngõ ngách nhưng vẫn không tìm thấy. Sau này nghe người mách bảo, tôi mới tìm ra cây nga truật ở vùng núi Sam (tỉnh An Giang).Vì để tiết kiệm chi phí đi lại, tôi và các đồng nghiệp quyết định hái thật nhiều rồi lấy giống về ươm trồng”.
Liều lượng sử dụng thuốc đặc trị trật đả trên còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh nặng nhẹ, thể trạng của từng bệnh nhân. Người bệnh sẽ bó thuốc, đắp thuốc và cả uống để mang lại hiệu quả cao nhất. Trong suốt thời gian điều trị, người bệnh phải kiêng cữ các thức ăn tanh và dầu mỡ, hạn chế cử động ở vùng đang bị trật đả. Các sư thầy cũng khuyên người bệnh nên thường xuyên tập thể dục, kết hợp giữa việc bó thuốc và đả thông huyệt đạo.
Ngồi bên bàn làm việc, trụ trì Thích Thanh Sơn nhớ lại: “Khoảng 10 năm trước, có một anh thanh niên bị người ta đánh bể hai xương mắt cá chân, được bạn cõng đến trước cửa chùa. Hỏi ra mới biết anh hành nghề trộm cắp. Chúng tôi đồng ý chữa cho anh ta với điều kiện anh ta hứa từ bỏ con đường “đạo chích” và tìm một công việc lương thiện khác kiếm sống. Sau hồi đắn đo, người thanh niên kia gật đầu chấp nhận. Cứ 2 lần/tuần, người bạn lại cõng anh thanh niên ấy đến chùa chữa trị. Sau ba tháng, vết thương đã hồi phục hoàn toàn.
Khoảng gần 1 năm sau, khi tôi đang dọn dẹp đồ đạc trong phòng khám thì anh thanh niên năm xưa đến thăm. Anh ta vui vẻ kể rằng đôi chân đã có thể đi lại như người bình thường. Anh cũng đã thực hiện đúng lời hứa năm xưa, từ bỏ nghề “đạo chích”, làm một công việc tử tế và thu nhập ổn định. Khi ấy tôi thực sự hạnh phúc và càng trân quý công việc của mình”. Vốn là một võ sư của Trung Sơn võ đường, sư thầy Thích Thanh Sơn cũng đã áp dụng võ thuật vào công tác chữa bệnh để thúc đẩy vết thương nhanh chóng hồi phục.
Kể từ ngày truyền lại toàn bộ bí quyết cho hai sư đồ của mình, sư thầy Thích Thanh Sơn giảm dần công việc vì tuổi tác đã cao. Lãnh trọng trách cao cả, hai sư Đức Nguyên và Đức Hòa không phụ lòng của sư phụ, ngày ngày tận tình chữa bệnh cho người dân. Nhiều mảnh đời cơ nhỡ khi đến phòng khám được giữ lại, bao ăn, bao ở, dạy việc để sau thời gian chữa trị có thể tiếp tục cuộc sống của mình. Đa số các bệnh nhân đều được chữa bệnh miễn phí và còn được dạy cách chữa trị, phòng tránh bệnh tật.
Tiếp lời sư phụ, sư Đức Hòa kể về một trường hợp khá đặc biệt: “Bà ấy bị trật cổ chân không đi được nên phải lết từ lúc 3 giờ sáng đến 2 giờ chiều ngày hôm sau để đến chùa Vạn Thọ chữa trị. Thương bà, chúng tôi chữa trị miễn phí hoàn toàn cho bà, rồi mỗi khi chiều về chúng tôi còn thuê cả xe ôm chở bà về. Trong vòng hơn 1 tháng, đôi chân bà đã có thể đi lại được. Hiện nay, bà vẫn tới chùa để phụ giúp chúng tôi bốc thuốc”.
Nhìn thấy nụ cười của mỗi bệnh nhân khi bước ra khỏi phòng khám lại khiến gương mặt của vị trụ trì 82 tuổi và 2 sư đồ rạng rỡ, hạnh phúc. Gần 30 năm, phòng khám từ thiện của chùa Vạn Thọ cứu sống không biết bao nhiêu người thoát cảnh tàn phế, khuyết tật. Không chỉ vậy, phòng khám còn là nơi cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Cứ thế, tấm lòng từ bi hỷ xả đã được soi chiếu và nhân rộng tới những phận đời bé nhỏ, éo le.
(Bài đã được đăng trên tờ Hôn nhân Pháp luật – một chuyên trang của báo Đời sống sống Pháp Luật)
THÙY DƯƠNG
Xem thêm Video: Kỳ lạ cụ già đột nhiên chỉ nói tiếng Anh sau cơn đột quỵ