Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ trẻ trực Tết: Gần 3 năm vào nghề 2 năm ở bệnh viện vì COVID-19

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

6 tháng mới ra trường nam bác sĩ 29 tuổi đối mặt với tình hình đại dịch COVID-19 nguy hiểm. 2 cái tết bác sĩ không được đón Tết trọn vẹn cùng gia đình.

6 tháng ra trường đã vừa chống dịch vừa trực Tết

Mệt mỏi sau một ngày trực dài, bác sĩ Quang Hiệu (29 tuổi, quê Hưng Yên) công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn nán lại kiểm tra từng bệnh nhân đang thở máy. Anh không yên tâm khi có một bệnh nhân lớn tuổi suy hô hấp nặng phải thở máy mà anh đang phụ trách chăm sóc.

Đến giường bệnh bác sĩ Hiệu chỉnh lại dây máy, xem xét chỉ số có bất ổn hay không? Không dừng lại một bệnh nhân, anh đi từng phòng, xem xét các bệnh nhân còn lại mới an tâm cởi bỏ bộ đồ bảo hộ.

Ngày tết cũng như ngày thường, công việc không hề thuyên giảm mà còn tăng hơn vì số lượng bác sĩ trực ít hơn ngày thường. Bệnh nhân nặng vẫn ra vào khoa liên tục.

Dù ngày Tết cường độ làm việc của các y bác sĩ vẫn như những ngày thường

Về phòng nghỉ, anh vẫn theo dõi bệnh nhân qua camera, ghi tình hình sức khoẻ bệnh nhân. Luôn trong tâm thế bệnh nhân cần là phải có mặt ngay. Sau đó, anh tranh thủ gọi điện cho bố mẹ chúc tết sau một đêm dài.

Ba năm ra trường, nam bác sĩ trẻ được trải nghiệm cảm giác không được đón một cái Tết Nguyên đán trọn vẹn bên gia đình. Điều mà hơn 20 năm anh vẫn được làm. Đặc biệt, là 2 năm đầu, thời điểm bác sĩ Hiệu ra trường đúng vào dịch COVID-19 đang diễn biến tại Việt Nam. Khi đó, vừa tham gia chống dịch, vừa xa nhà nên nỗi nhớ gia đình khiến anh vô cùng buồn và khó tả.

Anh chia sẻ, 3 năm ăn tết trong bệnh viện, với một bác sĩ trẻ lại làm ở khoa Hồi sức tích cực là cả một áp lực, vì nhiều bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên, bệnh nhân đông, lại cả bệnh nhân nặng chuyển vào, nhân lực y tế lại mỏng.

“Cảm giác trực tết với những bác sĩ trẻ như tôi vô cùng nhớ nhà, đặc biệt năm nay lịch trực tôi vào mùng 2 tết, tối 30 được về nhà đón giao thừa, nhưng chiều mùng 1 đã phải bắt xe lên bệnh viện. Cảm giác vô cùng buồn và hụt hẫng, nhưng vì tính chất công việc đành phải chịu”, BS Hiệu chia sẻ.

Ám ảnh trực Tết cùng COVID-19 và bệnh nhân tiên lượng nặng

Gần 3 năm vào nghề, bác sĩ Hiệu đã dành 2/3 khoảng thời gian cho đại dịch COVID-19. Bác sĩ Hiệu tốt nghiệp ra trường, sau đó vào khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang làm việc chỉ mới 6 tháng, đại dịch COVID-19 bỗng chốc ập đến khiến các y bác sĩ từ ít kinh nghiệm, đến nhiều kinh nghiệm luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu.

Năm đó, chàng bác sĩ trẻ gói gọn đón Tết trong bệnh viện! Nam bác sĩ 29 tuổi vẫn nhớ khung cảnh hãi hùng khi COVID-19 ập đến, đặc biệt trong môi trường hồi sức tích cực áp lực với một bác sĩ trẻ tăng lên gấp nhiều lần.

Vừa vào nghề, nam bác sĩ đã chạy đua với COVID-19 cùng áp lực trực Tết đồn một

“Nhìn bệnh nhân nặng nhiều, bệnh nhân tử vong cao cứ ra vào viện liên tục, một bác sĩ mới có kinh nghiệm thực tế chỉ chưa đầy một năm nó thực sự khủng khiếp”, BS Hiệu nói.

Nam bác sĩ trẻ còn nhớ rất rõ khung cảnh trực tết năm 2022, khi đó tại Hà Nội tình hình dịch COVID-19 đang căng thẳng. Suốt mấy tháng trước tết, anh chỉ ăn, ngủ, làm việc trong bệnh viện và không được về nhà. Sau đó, tết cũng xác định ở trong viện cùng bệnh nhân.

Đêm giao thừa, bác sĩ Hiệu chỉ kịp gọi về nhà chúc bố mẹ năm mới vui vẻ, sau đó phải chạy ngay vào phòng bệnh cùng bệnh nhân, vì số lượng bệnh nhân nhập khoa vô cùng đông và hỗn loạn.

“Còn nhớ vào mùng 2 Tết đúng ca trực của tôi và một bác sĩ cấp cứu, có một bệnh nhân ngoài 60 tuổi mắc COVID-19 suy hô hấp nặng, phải đặt nội khí quản, đây là thủ thuật nguy hiểm và cần bác sĩ chuyên môn cao mới có thể làm được.

Tuy nhiên, ở tình thế đó, việc điều động nhân lực từ bên ngoài vào sẽ gây nguy cơ lây nhiễm và nhiễm trùng cao.

Bắt buộc những bác sĩ trực phải làm vì bệnh nhân đã tím tái hết người và đã phải bóp bóng hỗ trợ, nếu không thực hiện luôn tiên lượng tử vong vô cùng cao. Tôi cùng đồng nghiệp loay hoay 30 phút nhưng không thể tài nào đặt được nội khí quản. Tình trạng bệnh nhân từng giây từng phút diễn biến càng lúc càng xấu, lúc đó vừa sợ, vừa run vừa lo không thể cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Hiệu nhớ lại.

COVID-19 và trực Tết giúp nam bác sĩ trưởng thành hơn trong nghề

Nhận thấy tình hình bệnh nhân không ổn, bác sĩ Hiệu cùng đồng nghiệp đánh liều, lập tức thực hiện phẫu thuật mở nội khí quản ngay giường hồi sức, thay vì phải đưa vào phòng cấp cứu. May mắn bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và ra viện sau thời gian điều trị.

“Thực sự cảm giác lúc đó vừa áp lực khi nhìn tình hình bệnh nhân, vừa nóng bức trong bộ đồ bảo hộ. May mắn bệnh nhân cũng qua khỏi”, nam bác sĩ cười xoà.

Những ngày tết, thông thường một ngày khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận 7-8 bệnh nhân nặng. Riêng tết năm COVID-19 đó, tình trạng bệnh nhân kín giường, chỉ cần có bệnh nhân ra viện hay tử vong, lập tức giường bệnh đó sẽ có người thay thế.

Năm đó, 2 bác sĩ một ca trực sẽ phải quản lý 2 tầng với 30 bệnh nhân, hầu hết bệnh nhân đều thở máy, chỉ cần một chỉ số biến động, phải lập tức có mặt.

2 năm phải trực tết, bác sĩ Hiệu có phần hụt hẫng và nhớ nhà vô cùng. Bởi, bình thường khi còn là sinh viên, một tuần anh có thể về nhà một lần. Nhà con trai một nên khi anh tham gia chống dịch cũng khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Nhưng bố mẹ vô cùng tâm lý chỉ động viên cậu con trai cố gắng.

Năm nay lại một cái tết không trọn vẹn bên gia đình, nhưng tâm thế của bác sĩ Hiệu đã khác. Anh đang dần chấp nhận cảm giác xa nhà ngày tết, vì khi đã chọn nghề thì buộc phải chấp nhận tính chất công việc.

XEM THÊM: Nam giám đốc phải tìm bác sĩ tâm lý vì vừa lo thương Tết vừa lo tiền lương đang nợ nhân viên

“Tết Nguyên đán 2024 đã đến, tôi cũng không mong muốn gì ngoài việc có một ngày trực tết an toàn. Ngành y cần nhất là an toàn cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Ở những ngày tết chỉ mong không có biến cố xảy ra, đặc biệt trong hồi sức tích cực bệnh nhân diễn biến liên tục. Những ngày tết mà bệnh nhân diễn biến nặng thì vô cùng mệt mỏi, đã nhớ nhà rồi thêm áp lực công việc sẽ dễ gây ra nản”, BS Hiệu gửi gắm.

Mộc Trà

Tin nổi bật