Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ Dược Sài Gòn nói bề những bệnh lý thường gặp do phế cầu khuẩn

(DS&PL) -

Phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết.

Phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết.

Bệnh do phế cầu khuẩn có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau tùy cơ quan bị nhiễm. Chúng ta cùng tìm hiểu một số bệnh lý phổ biến do phế cầu gây ra trong bài viết dưới đây.

Phế cầu là bệnh gì?

Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, thường được gọi là phế cầu. Có rất nhiều chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau, thông thường chúng cư trú chủ yếu trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh và không gây bệnh (những người này được gọi là người lành mang trùng). Tuy nhiên, ở những đối tượng nhạy cảm, chẳng hạn như trẻ em nhỏ, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, phế cầu khuẩn có nguy cơ cao gây bệnh. Theo ước tính, hàng năm trên toàn thế giới có gần nửa triệu trẻ em tử vong vì các bệnh gây ra do phế cầu khuẩn và đây cũng là nhóm đối tượng chính thường mắc bệnh.

Phế cầu khuẩn gây bệnh gì?

Nhiễm phế cầu khuẩn có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như viêm màng não (viêm hay sưng màng bọc quanh nhu mô não), viêm phổi (nhiễm trùng ở đường hô hấp) và nhiễm trùng huyết (xuất hiện vi khuẩn bất thường trong máu) cho đến những bệnh ít nghiêm trọng hơn nhưng tần suất mắc phải cao hơn, như viêm xoang (nhiễm trùng xoang) hay viêm tai giữa (nhiễm trùng tai giữa). Triệu chứng của các bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn có thể khá mơ hồ, với mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào cơ quan bị nhiễm. Các biểu hiện đối với từng bệnh khác nhau có thể bao gồm:

  • Viêm tai giữa (nhiễm trùng ở tai giữa): Đau tai, có dấu hiệu sưng nề và đỏ, suy giảm thính lực, khó ngủ, sốt và bứt rứt.
  • Viêm xoang (nhiễm trùng ở xoang): Đau mặt, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi có màu vàng hoặc xanh.
  • Viêm phổi (nhiễm khuẩn đường hô hấp): Sốt, ho, khó thở, đau tức ngực.
  • Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng bất thường trong máu): Sốt, rét run, cảm giác bứt rứt, đau đầu, đau cơ, li bì, ngủ gà và phát ban ngoài da.
  • Viêm màng não (nhiễm khuẩn màng bao bọc xung quanh nhu mô não): Biểu hiện sốt cao, đau đầu, thường xuất hiện trong vòng một vài giờ hoặc từ 1 - 2 ngày. Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng khác, bao gồm nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, đau cứng cổ, ăn không ngon, rối loạn ý thức, bứt rứt, li bì, ngủ gà. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm màng não ở trẻ có thể để lại di chứng thần kinh.

Bệnh học phế cầu khuẩn lây lan chủ yếu thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc với bệnh nhân qua các hành động như hắt hơi, ho, hôn hoặc trẻ em chơi chung đồ chơi (tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp). Đối tượng mắc các bệnh do phế cầu khuẩn thường là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người cao tuổi, đặc biệt là người già trên 65 tuổi. Nguy cơ nhiễm vi khuẩn phế cầu và bệnh cảnh nghiêm trọng cũng cao hơn ở các trẻ dưới 5 tuổi có bệnh lý khác đi kèm, những người đang bị suy giảm miễn dịch, những người có thói quen hút thuốc lá, những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh gan, phổi, thận và tim.

Tác hại nghiêm trọng của phế cầu khuẩn

Trong các đối tượng bệnh nhân nhiễm phế cầu khuẩn, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

  • Viêm màng não là bệnh lý rất đáng lo ngại ở trẻ nhỏ với 83% trường hợp xảy ra ở các trẻ dưới 2 tuổi và có tỷ lệ tử vong khá cao. Tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi, nguy cơ tử vong là trên 50% trong tổng số các trẻ mắc bệnh, ngoài ra khoảng 30 - 50% còn lại tuy có thể qua khỏi cơn nguy hiểm, nhưng phải chịu đựng những di chứng lâu dài, bao gồm cả nguy cơ tàn tật, như bị điếc, mù, động kinh, liệt, chậm phát triển trí tuệ, suy giảm trí nhớ và mắc chứng đau đầu kéo dài.
  • Gây ra do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, viêm tai giữa là căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Theo ước tính, có khoảng 80% trẻ dưới 3 tuổi có ít nhất một lần mắc bệnh viêm tai giữa, đặc biệt đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Ngoài ra, hơn 1/3 trong số đó sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại trong thời gian dài, đôi khi phải tiến hành phẫu thuật cho bé. Bệnh dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ khác ở những nơi đông người, như khu vực trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, ...
  • Bệnh nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn xâm nhập vào máu, gây ra sốc nhiễm trùng. Bệnh nguy hiểm hơn đối với những trường hợp đã có sẵn bệnh lý khác, với tỷ lệ tử vong vào khoảng 20%.
  • Viêm phổi do phế cầu hiện đang là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới, với gần 1 triệu bệnh nhi tử vong hàng năm khi chưa tới 5 tuổi, chiếm 1/6 trên tổng số trường hợp tử vong do bệnh này. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ hoặc người già, với tỷ lệ tử vong đến hơn 50%.

Trên đây là những chia sẻ của Bác sĩ giảng viên Y sĩ đa khoa Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn về những bệnh lý thường gặp do phế cầu khuẩn. Chúc các bạn có một sức khỏe tốt.

Diệu Nhi

Tin nổi bật