Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) nêu quan điểm: Hiện nay cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật là lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do hội họp để thực hiện các hành vi xâm phạm đến lợi ích nhà nước, đến tổ chức, cá nhân.
“Cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ, trong đó có lời khai của những người liên quan, người làm chứng, người bị hại; sẽ thu thập các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án này. Trường hợp cơ quan điều tra xác định hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện trên không gian mạng thì các công cụ phương tiện để ghi hình, phát trực tiếp lên không gian mạng sẽ bị thu giữ; những đồ vật này được xác định là vật chứng của vụ án, là chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội”, Luật sư Cường nói.
Vị Luật sư cho rằng: Việc khởi tố nữ doanh nhân Đại Nam cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân, đảm bảo an ninh, an toàn trong môi trường mạng.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
“Nhiều người cho rằng với những người có quyền lực, có nhiều tiền thì "muốn nói gì thì nói". Tuy nhiên trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý”, Luật sư Cường nói.
Từ đó, việc xử lý hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ trong vụ án này cho thấy việc đấu tranh với tội phạm ở Việt Nam là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu chế tài, ai vi phạm cũng sẽ bị xử lý, hành vi vi phạm đến đâu để xử lý sẽ xử lý đến đó. Đây là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa để xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, sử dụng pháp luật làm thước đo để đánh giá tính hợp pháp của hành vi con người.
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết: Xây dựng pháp luật là yêu cầu tất yếu của Nhà nước, chấp hành pháp luật là ý thức trách nhiệm của công dân. Việc thượng tôn pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật làm cho mọi người chấp hành pháp luật không chỉ là yêu cầu mà còn là trách nhiệm của mọi người dân; tinh thần thượng tôn pháp luật thể hiện thước đo trình độ phản ánh ý thức chính trị của công dân.
Pháp luật không cấm công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình khi phát hiện dấu hiệu sai phạm của cá nhân, tổ chức nào đó, tất nhiên quyền đó phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhưng ngược lại, nếu một người lạm dụng, sử dụng quyền của mình nhằm xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức khác thì đó lại là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh.
“Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, không ai được phép đứng trên luật pháp. Bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý một cách nghiêm minh để đảm bảo kỷ cương, phép nước. Do vậy, nếu có căn cứ chứng minh tội phạm thì việc khởi tố bà Tổng giám đốc của Đại Nam và đồng phạm (nếu có) là điều tất yếu”, Luật sư Trần Văn Việt nói.
P.V