Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bà giáo 78 tuổi mở lớp học tình thương đặc biệt suốt 25 năm giữa lòng Hà Nội

(DS&PL) -

Gần 80 tuổi nhưng đều đặn mỗi tuần, bà giáo Nguyễn Thị Côi vẫn miệt mài, gắn bó với dạy học cho các em nhỏ tật nguyền, kém may mắn trong xã hội.

Gần 80 tuổi nhưng đều đặn mỗi tuần, bà giáo Nguyễn Thị Côi vẫn miệt mài, gắn bó với dạy học cho các em nhỏ tật nguyền, kém may mắn trong xã hội.

Lớp học tình thương của bà giáo Côi giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Infonet

Nhiều năm qua, người dân phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh một bà giáo hàng ngày đi xe ôm đến Nhà văn hóa khu dân cư số 2 để dạy một lớp học đặc biệt có tên "Lớp học linh hoạt" với học sinh là những đứa trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ.

Lớp học của bà giáo Nguyễn Thị Côi (78 tuổi) năm nay có 24 học sinh, học sinh bé nhất là 7 tuổi và học sinh lớn nhất đã 35 tuổi. Đây đều là những học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn đến từ nơi trong quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Các em học sinh ở lớp học linh hoạt sẽ được học một chương trình riêng tùy theo trình độ của mỗi bạn. Vì vậy, lớp được chia thành từng tốp: lớp 1, lớp 2, 3, 4… Cũng có khi thì các bạn lớp trên sẽ kèm các bạn lớp dưới nếu đủ khả năng.

Sau khi tốt nghiệp lớp học, nhiều học sinh có lực học tốt sẽ được bà Côi giới thiệu đi học các lớp học có trình độ cao hơn tại trung tâm giáo dục thương xuyên hoặc đi học nghề.

Ngoài học chữ, học sinh của bà giáo Côi còn được học về kĩ năng sống, về các ứng xử với mọi người xung quanh. Học sinh nam được bà dạy cho cách sửa sang các đồ dùng trong nhà, hay cách nấu cơm, cách đi chợ...

Còn học sinh nữ, những bài học đối với những học sinh khuyết tật đơn giản chỉ là cách vệ sinh thân thể, kèm những bài học về giới tính. Bà Côi luôn nhắc các con rằng hãy trải rộng lòng để đón nhận cuộc sống, phấn đấu vì tương lai tốt đẹp hơn.

Bà Côi chấm điểm cho học trò. Ảnh: Dân Trí

Kể về lý do mở “Lớp học linh hoạt” bà Côi cho biết: “Năm 1994, khi đang là Hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, tôi được biết, UBND quận Hai Bà Trưng tìm giáo viên để mở lớp dành cho trẻ lang thang, cơ nhỡ và trẻ em nghèo. Nhận thấy đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, cho nên tôi đã xung phong nhận lớp”.

Suốt 25 năm liền, bà Côi làm người đưa đò cho nhiều thế hệ học sinh nghèo, những đứa trẻ lang thang. Có những học sinh giờ đây đã có nghề nghiệp ổn định, có người học lên tới đại học. Những lời thăm hỏi, những bước trưởng thành của những đứa trẻ thiếu may mắn năm nào tiếp thêm động lực cho bà tiếp tục duy trì lớp.

Cho đến nay, dù không còn được nhận tiền trợ cấp dạy học hằng tháng, bà giáo Côi vẫn đều đặn đến lớp và mở rộng đối tượng học sinh được tuyển. Không chỉ dạy học cho các em là trẻ lang thang cơ nhỡ, bà còn vận động phụ huynh có con bị thiểu năng trí tuệ cho các em đến học miễn phí tại lớp của mình.

“Tôi muốn trao cho các cháu một cơ hội được hòa nhập cộng đồng, được học tập và được kết bạn”, bà Côi chia sẻ.

Theo bà Côi, cái khó nhất khi dạy trẻ thiểu năng là các cháu hầu như không có trí nhớ. Muốn giảng cho các cháu hiểu, phải giảng nhiều lần. “Mỗi khi các cháu làm bài, tôi phải chụp các công thức toán học và bảng cửu chương để từ những kiến thức sẵn có đó, học trò có thể vận dụng vào từng bài toán cụ thể”, bà giáo già tâm sự.

Đến hiện tại, gia đình không cho bà Côi đi xe đến trường vì sợ bà có tuổi, đi lại không may xảy ra chuyện nên bà đã chọn đi xe ôm theo tháng và vẫn đến lớp học đều đặn không một đồng công.

Thanh Tùng (T/h)

Tin nổi bật