Ngày 24/3, trong cuộc họp với các lãnh đạo NATO và G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thông báo gói hỗ trợ mới, đồng thời khẳng định Anh sẵn sàng giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ hơn nữa.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters
“Anh sẽ làm việc với các đồng minh để tăng cường ủng hộ quân sự và kinh tế cho Ukraine, tăng cường năng lực quốc phòng để họ lật ngược tình thế”, ông Johnson nói.
Theo gói viện trợ mới, Anh sẽ cung cấp 6.000 tên lửa mới và 25 triệu bảng cho quân đội Ukraine; đồng thời hỗ trợ 4,1 triệu bảng cho đài BBC để tăng cường đưa tin bằng ngôn ngữ của Nga và Ukraine.
Trước đó, Anh đã gửi hơn 4.000 vũ khí chống xe tăng cho Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự 500 triệu Euro cho Ukraine để giúp nước này đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
Quan chức phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell đã gọi việc tăng gấp đôi viện trợ quân sự của khối này cho Ukraine là một dấu hiệu khác về sự hỗ trợ của EU với các lực lượng vũ trang Ukraine để bảo vệ lãnh thổ và người dân của nước này.
Ban đầu, Mỹ và các nước phương Tây tỏ ra khá thận trọng khi chỉ cung cấp những vũ khí và trang thiết bị đơn giản như mũ bảo hộ, áo chống đạn cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại, trong các lô vũ khí viện trợ cho Ukraine có cả máy bay không người lái có khả năng phá hủy xe tăng và pháo của Nga ở cách xa hàng chục km.
Nga và Ukraine đã ngồi vào bàn đàm phán ngay trong tuần đầu tiên xung đột. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại hai bên vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung, trong đó có vấn đề trạng thái trung lập của Ukraine và tương lai của bán đảo Crimea cùng hai vùng Lugansk, Donetsk.
Trong tuyên bố phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ theo đuổi việc giải giáp vũ khí và "phi phát xít hóa" Ukraine. Điện Kremlin sau đó phát đi tín hiệu Moscow không tìm kiếm việc thay đổi chế độ hay chính quyền ở Kiev.
Mộc Miên (Theo Reuters)