Các quan chức chính phủ Anh cho biết trong tháng này, London sẽ quyết định loại dần các thiết bị của tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc khỏi mạng 5G của nước này, trong bối cảnh liên tục có những quan ngại về nguy cơ gián điệp.
Tham vọng bành trướng với công nghệ 5G của Huawei đang gặp khó khăn. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện đang chịu sức ép rất mạnh từ việc Mỹ đòi cắt quan hệ với tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Theo FT, ông Johnson đang vạch ra những kế hoạch để loại bỏ công nghệ của Huawei khỏi mạng 5G của Anh sau những cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của Washington có thể ngăn cản tập đoàn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn của Mỹ và buộc hãng này phải sử dụng những nguồn cung rủi ro hơn.
Theo báo cáo, một cuộc điều tra an ninh của Vương quốc Anh, hiện vẫn chưa được công bố, đã đặt ra những nghi vấn "rất, rất nghiêm trọng" về vai trò 5G bị hạn chế của Huawei tại Xứ sở Sương mù.
Ngày 6/7, Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden xác nhận đã nhận được một báo cáo của Trung tâm An ninh Máy tính Quốc gia, đồng thời tiết lộ sẽ có một "tác động đáng kể" đến vai trò 5G của Huawei tại Anh.
Nếu London thực sự mạnh tay trong việc cấm Huawei cung cấp thiết bị viễn thông, đi ngược lại chính sách của Thủ tướng Boris Johnson hồi đầu năm nay, thì quyết định này sẽ tác động lớn đến các quốc gia Châu Âu còn lại.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng đe dọa cắt nguồn chia sẻ tin tức tình báo với Đức nếu nước này cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G thế hệ mới, đồng thời nhấn mạnh nhiều rủi ro an ninh quốc gia từ công ty công nghệ Trung Quốc.
Một khi Anh mạnh tay với Huawei, Đức có thể cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự dựa trên lợi ích của người dân, để bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ gián điệp mạng. Nhất là khi Bộ Tư pháp Mỹ mới đây cáo buộc Huawei là một trong những công ty công nghệ được hậu thuẫn bởi quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong khi đó, Huawei đã nhiều lần phủ nhận việc có bất cứ mối liên hệ nào với các cơ quan quân sự và an ninh của Trung Quốc.
Tại Singapore, hãng viễn thông Trung Quốc đang thua các đối thủ châu Âu khi tập đoàn Singtel chọn Ericsson (Thụy Điển), còn liên doanh giữa Starhub và M1 chọn Nokia (Phần Lan) là nhà cung cấp chính cho mạng 5G. Bộ trưởng Thông tin Singapore S.Iswaran khẳng định họ không loại hay cấm bất cứ công ty nào trong quá trình lựa chọn đối tác, mà xét duyệt dựa trên hiệu suất, bảo mật và khả năng phục hồi.
Diễn biến ở Ấn Độ còn phức tạp hơn. Giữa năm 2019, Trung Quốc được cho là đã đe dọa trừng phạt Ấn Độ nếu nước này gạt Huawei khỏi kế hoạch triển khai 5G vì sức ép từ Washington. Đến tháng 12/2019, Huawei thông báo đã được cấp phép thử nghiệm mạng 5G tại quốc gia Nam Á này.
Tại Pháp, cơ quan an ninh mạng ANSSI loại bỏ khả năng cấm Huawei hoàn toàn. “Sẽ không có một lệnh cấm hoàn toàn. Nhưng với những nhà mạng hiện chưa dùng thiết bị của Huawei, chúng tôi khuyên họ không mua nữa”, Guillaume Poupard, giám đốc ANSSI, nói với báo Les Echos.
Quyết định này có vai trò quan trọng với 4 nhà mạng của Pháp. Hạ tầng của Bouygues Telecom và SFR, chiếm một nửa thị phần mạng di động của Pháp, được xây dựng bởi tập đoàn Trung Quốc. Ông Poupard nói rằng hai nhà mạng này sẽ được dùng công nghệ của Huawei trong “3 đến 8 năm nữa”.
Mộc Miên (T/h)