Ấn Độ mới đây đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì có hiệu lực ngay lập tức, do lo ngại nguy cơ an ninh lương thực, một phần do xung đột tại Ukraine và đợt nắng nóng gay gắt đang làm giảm sản lượng khiến giá tiêu dụng nội địa tăng cao kỷ lục.
Dù không phải là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới nhưng lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu lên mức đỉnh mới do nguồn cung vốn đã bị hạn chế, gây ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng nghèo ở khu vực châu Á và châu Phi.
Sau khi lệnh cấm được đưa ra, các bộ trưởng nông nghiệp đến từ nhóm G7 đã gay gắt lên án động thái này của Ấn Độ. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir nhấn mạnh: "Nếu mọi người bắt đầu áp đặt các hạn chế xuất khẩu hoặc đóng cửa thị trường, điều đó sẽ khiến cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách một thành viên G20".
Đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến sản lượng lúa mì ở Ấn Độ giảm. Ảnh: Reuters
Ngày 14/5 (giờ địa phương), các quan chức chính phủ ở New Delhi cho biết Ấn Độ sẽ vẫn cho phép hỗ trợ hoạt động xuất khẩu bằng tín dụng thư với các quốc gia cần nguồn cung để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của họ".
Các quan chức nhấn mạnh trong một cuộc họp báo, lệnh cấm sẽ không tồn tại vĩnh viễn và có thể được sửa đổi.
Trước đó, trong một thông báo trên công báo của chính phủ ngày 13/5, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ thông tin giá lúa mì tăng đột biến đã đe dọa an ninh lương thực nước này và cả các nước láng giềng.
Mặc dù không có sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản lượng lúa mì của Ấn Độ trong năm nay, các quan chức chính phủ nói rằng việc xuất khẩu không được kiểm soát đã khiến giá nội địa tăng cao. Bộ trưởng Thương mại BVR Subrahmanyam chia sẻ: "Chúng tôi không muốn hoạt động buôn bán lúa mì diễn ra theo cách không được kiểm soát hoặc dẫn đến tình trạng tích trữ".
Giá lúa mì ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục, tại một số thị trường, mức giá đạt mức 25.000 rupee (320 USD)/tấn, cao hơn mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ là 20.150 rupee (260 USD).
Quan chức chính phủ giấu tiên nhận định: "Đó không chỉ là lúa mì. Mức gia tiêu dùng chung tăng cao đã làm gia tăng lo ngại về lạm phát và đó là lý do tại sao chính phủ phải cấm xuất khẩu lúa mì. Đối với chúng tôi, đây là một hành động đầy thận trọng".
Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)