Tin tức từ báo cáo “Billionaire Census 2014” của Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) cho biết, Việt Nam có 2 tỷ phú lọt vào danh sách siêu giàu của ngân hàng Thụy Sĩ với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD.
Mặc dù, Wealth-X và UBS mới chỉ công bố báo cáo điều tra chưa công khai danh tính của các tỷ phú USD, nhưng giới chuyên gia cũng như dư luận gần như chắc chắn ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup sẽ lọt vào bảng xếp hạng này.
Bởi vào tháng 3/2013, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã được Forbes “trang chủ cho những lãnh đạo kinh doanh trên thế giới” bình chọn là một trong 10 tỷ phú mới nổi xuất sắc nhất thế giới.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. |
Và trong bản đồ tỷ phú đô la của tạp chí danh giá này ông giữ vị trí 974, sau những cái tên nổi tiếng như Carlos Slim Helu, Bill Gates...
Tỷ phú đôla thứ hai sau Phạm Nhật Vượng khiến dư luận khá tò mò vì hiện chưa có doanh nhân nào sở hữu giá trị cổ phiếu tương đương 1 tỷ USD.
Dựa trên hoạt động kinh doanh cũng như doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng như diễn biến trên thị trường chứng khoán, những doanh nhân được cho là ứng cử viên sáng giá cho vị trí thứ 2 này có thể kể đến những cái tên như: ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch tập đoàn Masan), bà Trần Thị Hường (Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu) và ông Dương Công Minh (Chủ tịch tập đoàn Him Lam).
Tin tức trên tờ Zing cho biết, mặc dù Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang chỉ đứng tên số cổ phiếu vỏn vẹn 10 đơn vị (với thị giá khoảng 830.000 đồng - tính đến ngày 16/9) nhưng tổng giá trị khối lượng cổ phiếu do các công ty mà ông Quang sở hữu và tài sản trên sàn của gia đình ông đã vượt qua con số 1 tỷ USD.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu Trần Thị Hường, Chủ tịch tập đoàn Him Lam Dương Công Minh (từ trái qua phải). |
Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu Trần Thị Hường cũng không hề kém cạnh khi doanh nghiệp của bà có 10 công ty thành viên, tổng vốn điều lệ (tính đến năm 2010) khoảng gần 6.000 tỷ đồng.
Với những thương vụ nổi tiếng trong những năm 90, giới doanh nhân cũng ngầm hiểu độ giàu có của bà. Theo đó, bà đầu tư 15 triệu USD để xây dựng nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD.
Số cổ phần bà Hường hiện nắm giữ vào khoảng 4,19\% tại công ty Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với giá trị tương đương 7 tỷ đồng.
Chủ tịch Dương Công Minh - ông chủ của công ty cổ phần Tập đoàn Him Lam - một công ty bất động sản lớn tại Việt Nam và Chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cũng như chứng khoán Liên Việt cũng được coi là ứng cử viên sáng giá.
Tại Liên Việt Holding, ông Minh nắm khoảng 31,3 triệu cổ phần, trong khi tại LienVietPostBank, ông đứng tên cho khoảng 80,4 triệu cổ phần thông qua tập đoàn Him Lam, tương ứng 12,5\% vốn. Theo báo cáo thường niên của LienVietPostBank, ngân hàng này hiện có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng.
Những thông tin bên lề khác của báo cáo “Billionaire Census 2014” của Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) cho biết, tổng tài sản của nhóm tỷ phú giàu nhất thế giới là 7,3 nghìn tỷ USD và châu Âu là khu vực chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 775 tỷ phú và tài sản 2,37 nghìn tỷ USD. Về quốc gia lãnh thổ, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về số lượng tỷ phú với 571 người, xếp thứ 2 là Trung Quốc với 190 người và Anh 130 người, Đức 123 người. Xét riêng khu vực Đông Nam Á, Singapore đứng đầu về số lượng tỷ phú đô la với 32 tỷ phú (tăng thêm 5 người so với năm ngoái), Thái Lan đứng thứ 2 với 17 tỷ phú. Các quốc gia khác như Malaysia có 12 tỷ phú, Philippines 13 người… với tổng tài sản tăng lên đáng kể. |