Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ai “chống lưng” cho thương lái trong vụ diêm dân phải bán tháo muối để gỡ vốn?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tỉnh hỗ trợ lãi suất 100\% để DN vay vốn hàng chục tỉ đồng phục vụ kế hoạch thu mua muối tạm trữ cho diêm dân. Người làm muối tin tưởng nhưng chờ hoài không thấy.

(ĐSPL) - Tỉnh hỗ trợ lãi suất 100\% để doanh nghiệp vay vốn hàng chục tỉ đồng phục vụ kế hoạch thu mua muối tạm trữ cho diêm dân. Người làm muối tin tưởng, trữ muối trắng đồng thấp thỏm chờ đợi... Nhưng “chờ hoài không thấy” thu mua, rốt cuộc đành chấp nhận lỗ nặng, bán tống bán tháo trả nợ.

Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các bên mới “lòi” ra những khuất tất trong công tác triển khai thu mua muối tạm trữ là do cán bộ “có vấn đề”.

Nỗi đau bán tháo muối vẫn không trả hết nợ

Năm 2015, diêm dân Khánh Hòa được mùa muối. Tháng 8/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc hỗ trợ thu mua muối tạm trữ. Theo đó, công ty cổ phần Muối Cam Ranh là đơn vị được chỉ định trực tiếp thu mua muối tạm trữ.

Theo ông Trần Văn Lực, Trưởng thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tháng 9/2015 chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, chính quyền xã thông báo lập danh sách từng hộ còn lượng muối tồn đọng để bán cho công ty cổ phần Muối Cam Ranh (công ty Muối Cam Ranh). Ông Lực đã đi đến từng hộ để lấy thông tin về lượng muối còn tồn đọng, cụ thể, có 34 hộ đăng ký, với lượng muối còn tồn khoảng 3.000 tấn và gửi lên xã.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hợp, 50 tuổi, trú thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ phản ánh: “Vào thời điểm đó, người dân cũng không phải là không có đầu ra nhưng khi được thông báo tỉnh sẽ thu mua muối tồn đọng cho dân với giá cao, diêm dân ai ai cũng phấn khởi, trữ muối, kê khai chờ đợi bán cho Nhà nước. Hộ ít thì vài chục tấn, có hộ trữ hơn 2.000 tấn...”. Danh sách các hộ đăng ký được gửi lên chính quyền, muối thì được trữ trắng đồng. Thế rồi, qua mấy đợt mưa thất thoát khá nhiều, trong khi đó nợ ngân hàng đến hạn, diêm dân vẫn vay nóng để trả lãi... chờ bán muối cho Nhà nước, thế mà vẫn không thấy bóng dáng đơn vị nào tới thu mua như thông báo. Quá chán nản với “điệp khúc chờ”, cuối năm 2015, diêm dân xã Ninh Thọ chấp nhận lỗ nặng, bán tống bán tháo lượng muối còn tồn đọng cho thương lái, với giá thấp hơn nhiều so với trước đó.

“Thời điểm khi có thông báo giá muối lót bạt cũng dao động từ 600.000 đến 650.000 đồng/tấn, giá muối đất thì khoảng 500.000 đồng/tấn. Nhưng đến cuối năm 2015, giá muối hạ đến một nửa chỉ còn 300.000 đồng/tấn, có một số vựa muối qua thời gian bảo quản chất lượng muối giảm xuống còn bị thương lái ép giá, phải bán với mức 250.000 đồng/tấn. Thậm chí, lượng muối trữ quá lớn, thương lái sử dụng chiêu thức “ép cân”. Tức là trọng lượng thực tế cân lên là 1.100 tấn, nhưng khi tính tiền đầu nậu chỉ tính 1.000 tấn, 100 tấn chênh lệch kia để đầu nậu “bù lỗ”. Lỗ nặng nhưng diêm dân vẫn phải cắn răng chấp nhận”, anh Võ Minh Hạnh (45 tuổi, trú xã Ninh Thọ) bức xúc trình bày.

Người dân bức xúc tố doanh nghiệp “đi đêm” với đầu nậu.

Theo tìm hiểu của PV, hiện hàng chục hộ dân sản xuất muối tại thôn Xuân Mỹ đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì vụ trữ muối năm ngoái. Hộ ít thì vài chục triệu đồng, hộ nhiều thì vài trăm triệu đồng. Thậm chí có hộ đang bị ngân hàng làm thủ tục “xiết nhà”. Đứng trước thảm cảnh phải dắt díu vợ con ra đường ở, anh Nguyễn Quốc Khải chua xót: “Diêm dân vốn không có, muốn làm muối phải vay vốn ngân hàng để làm ăn. Năm ngoái nghe nói Nhà nước hỗ trợ thu mua muối nên trữ gần 600 tấn muối chờ đợi. Ai ngờ cuối cùng đành phải bán tống, bán tháo với giá thấp để trả nợ nhưng vẫn không đủ. Số nợ ngân hàng hiện tại hơn 400 triệu đồng, năm nay không biết xoay xở sao đành phải bán “muối non” để lấy tiền trả lãi ngân hàng. Nhìn cảnh thương lái xúc muối trên ruộng mà rớt hết nước mắt...”.

Có chuyện doanh nghiệp đi đêm với “đầu nậu”?

Rút kinh nghiệm năm ngoái, mùa muối năm 2016, sản lượng muối làm ra được bao nhiêu, người dân chủ động thỏa thuận giá cả rồi bán cho thương lái bấy nhiêu. Tháng 6/2016, tỉnh Khánh Hòa triển khai chủ trương thu mua tạm trữ muối cho diêm dân thì thực tế trên ruộng muối ở Ninh Thọ đã không còn một hạt muối nào trữ lại. Trong buổi đối thoại trực tiếp với chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và công ty Muối Cam Ranh, người dân chất vấn gay gắt thì mới “té ngửa”, thực tế trong năm 2015, công ty Muối Cam Ranh đã thu mua muối tạm trữ cho người dân thôn Xuân Mỹ với tổng lượng muối 6.250 tấn, số tiền đã thanh toán là hơn 3,6 tỉ đồng. Nhưng điều bất ngờ là tên những người đã bán muối hoàn toàn không có trong danh sách thôn đã lập và gửi lên trước đó.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc công ty Muối Cam Ranh cho biết: “Danh sách 8 người đã bán 6.250 tấn muối cho công ty trong năm 2015 gồm: Ông Đặng Kim Hoàng, ông Võ Minh Mẫn, ông Trần Nghiệm, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo cùng trú thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ; ông Nguyễn Văn Trúng, bà Trương Thị Kim Loan, bà Trương Thị Phương Liên, bà Trương Thị Như Hồng cùng trú TP. Nha Trang. Người có lượng muối bán nhiều nhất là ông Trúng với 1.060 tấn, người bán ít nhất là bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo với 500 tấn. Theo bảng kê, giá muối lót bạt được thu mua là 650.000 đồng/tấn, giá muối đất 520.000 đồng/tấn”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong danh sách trên 4 người dân trú thôn Xuân Mỹ là họ hàng và người làm công cho ông Trúng, còn lại 3 người phụ nữ có hộ khẩu thường trú tại TP. Nha Trang là vợ, chị và em vợ của ông Trúng. Theo người dân địa phương, thì ông Trúng cũng là một trong những “đầu nậu” thu mua muối có tiếng trên địa bàn. Ông Hoàng khẳng định với PV: “Tôi và ông Mẫn chỉ là người làm công cho ông Trúng và rất ngạc nhiên khi biết mình có tên trong danh sách bán muối cho công ty Muối Cam Ranh với số lượng gần cả 1.000 tấn”.

Giải thích về việc người làm công, không có muối lại có tên trong danh sách bán muối, nhận tiền của Công ty, ông Nguyễn Văn Châu nói: “Những người có tên trong danh sách tập hợp lại với nhau làm ăn theo kiểu kinh tế hộ gia đình. Vậy nên, Công ty mua muối của họ thì cũng như mua muối của diêm dân, vì họ thực tế cũng là diêm dân. Còn về 3.000 tấn muối tồn ở xã Ninh Thọ, ngày 10/11/2015, Công ty đã cử người khảo sát thực tế qua đó nhận thấy những mẫu muối này không đáp ứng chất lượng nên không mua...”.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Trọng Thái (43 tuổi), một người dân làm muối ở xã Ninh Thọ nêu ý kiến: “Việc công ty Muối Cam Ranh cho rằng chất lượng muối của diêm dân không bằng muối của ông Trúng là không thể chấp nhận được. Thứ nhất, muối ông Trúng đa phần là muối đất (làm trên nền đất-PV) còn diêm dân chúng tôi làm muối lót bạt nên chỉ cần nhìn vào màu muối là có thể biết chất lượng muối hơn kém nhau thế nào rồi. Thứ hai, theo biên bản thu mua muối của ông Trúng do Công ty ghi vào ngày 27/10/2015 nhưng đến ngày 10/11/2015 mới cử người về xã Ninh Thọ lấy mẫu muối đi chào hàng là mâu thuẫn. Hiện, muối Công ty đã thu mua ở hộ ông Trúng vẫn còn trữ ở ngoài đồng nên cơ quan chức năng có thể kiểm chứng”.

“Tại sao công ty mua muối của một người lại phải lập danh sách nhiều người? Liệu công ty có “bắt tay” với cá nhân để trục lợi? Thiết nghĩ, Nhà nước đề ra chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ muối cho diêm dân để giải quyết phần nào khó khăn cho người dân làm muối thế nhưng nghịch lý ở Khánh Hòa là không những diêm dân không được hưởng lợi gì mà còn “đổ nợ” hàng trăm triệu đồng từ khi triển khai chính sách trên”, bà Nguyễn Thị Hợp phẫn nộ nói.

Cơ quan chức năng “né” báo chí?

Xung quanh sự việc này, PV ĐS&PL đã gõ cửa cơ quan chức năng để tìm hiểu nội tình sự việc. Từ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đến chính quyền địa phương, PV đều nhận được một câu “từ chối khéo” cùng một lời hứa hẹn về một cuộc gặp trong thời gian sớm nhất. Với cách từ chối trao đổi, làm rõ vụ việc của cơ quan chức năng, người dân có quyền nghi ngờ chuyện cán bộ của doanh nghiệp đã “đi đêm” với đầu nậu để ép giá muối của diêm dân. Vụ việc này rất cần UBND và Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuộc.

NGUYỄN HƯNG

[mecloud]wZq4dhYHnc[/mecloud]

Tin nổi bật