90.000 DN tê liệt ngừng làm ăn, kích hoạt gói tiền 100.000 tỷ giải cứu.
Trong thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn mới đây, cộng đồng DN nhỏ và vừa đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ bảo lãnh cho vay DN vừa và nhỏ với số tiền 100.000 tỷ đồng để bảo lãnh tín dụng cho các DN, không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.
Nhiều DN nhỏ gặp khó khăn về vốn. (Ảnh minh họa)
Trong đó, DN phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); phải có hợp đồng, đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, hơn 90.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể, trong đó phần lớn là các DN nhỏ và vừa.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần khẩn trương có một khoản tái cấp vốn để cho vay mới. Cần hình thành ngay một quỹ bảo lãnh hoạt động theo cơ chế mới, chứ không phải quỹ bảo lãnh DN hiện có. Nếu cho vay mà vẫn đòi tài sản đảm bảo, sẽ không có DN nào tiếp cận được. Vì vậy, gói tái cấp vốn này sẽ dành một khoản tiền từ ngân sách, để quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN vay.
Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10/2021 các giải pháp về cấp bù lãi suất, để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN. Gói cấp bù lãi suất này dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô khoản tín dụng hơn 100.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay chỉ từ 3-4%/năm, sẽ được các ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và DN.
Nhâm Hoàng Khang bị điều tra về đánh cắp thông tin của nhiều người nổi tiếng.
Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, Nhâm Hoàng Khang bị điều tra về nghi vấn đánh cắp các thông tin riêng tư, tài khoản ngân hàng của nhiều cá nhân.
Liên quan đến vụ bắt giữ đối tượng Nhâm Hoàng Khang (SN 1987, ngụ quận Tân Bình) về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”, trong ngày 4/10, tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự (C02) phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an hoàn tất việc khám xét tại một ngôi nhà ở quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ và ngôi nhà riêng tại quận Tân Bình.
Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, Nhâm Hoàng Khang bị điều tra về đánh cắp thông tin của nhiều người nổi tiếng.
Công an thu giữ, niêm phong máy tính của Khang cùng nhiều tài liệu và thẻ ngân hàng. Nhâm Hoàng Khang bị di lý về trụ sở của Bộ Công an ở phía Nam để phục vụ công tác điều tra.
Nguồn thông tin cho hay, Nhâm Hoàng Khang hiện đang bị điều tra về một số vụ việc khác mà Cục C02 - Bộ Công an và Công an TP.HCM đang thụ lý.
Đó là lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, lưu giữ dữ liệu, bảo mật thông tin của các nhân, tổ chức và Nhâm Hoàng Khang với trình độ công nghệ đã đánh cắp thông tin. Sau đó, Nhâm Hoàng Khang đã sử dụng các thông tin cá nhân của người khác với mục đích cá nhân hoặc công bố ra ngoài bằng nhiều cách khác nhau, ảnh hưởng đến những cá nhân, tổ chức này.
Virus SARS-COV-2 có thể đột biến thông qua động vật.
Đây là cảnh báo, mới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đưa ra.
Theo CDC Trung Quốc, cho đến nay, 11 loài đã được ghi nhận: nhiễm virus SARS-CoV-2 trong môi trường tự nhiên, trong đó có chồn, hổ, khỉ đột, báo tuyết. 14 loài khác đã được xác định là có thể bị nhiễm bệnh thông qua các thí nghiệm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cảnh báo: Virus SARS-COV-2 có thể đột biến thông qua động vật.
Virus có khả năng tiếp tục đột biến ở những động vật này và sẽ gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nếu chúng lây truyền trở lại cho con người.
CDC Trung Quốc cho biết, cần phải thực hiện sàng lọc virus SARS-CoV-2 trên quy mô lớn, đối với động vật. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh thêm rằng, việc này cũng có thể "cung cấp thêm manh mối" về nguồn gốc của COVID-19.