Bánh chưng không chỉ là biểu tượng văn hóa ẩm thực tâm linh của người dân Việt Nam, còn là món ăn ngon - vị thuốc quý có vị ngọt, thơm, tính ấm, tăng cường sức khỏe, phòng trị bệnh hiệu quả.
Thế nhưng, nhiều người thường cho rằng bánh chưng hay đồ nếp thường làm gia tăng nhiệt độ cơ thể khiến chúng ta có cảm giác khó chịu trong người mà ít người biết đến tác dụng của những chiếc bánh chưng.
Ngoài ý nghĩa biểu tượng văn hóa ẩm thực tâm linh, bánh chưng được biết đến là một trong những thực phẩm cổ truyền không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc có lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Bánh chưng được phối hợp tổng hòa nhiều mùi vị như thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt mỡ và mùi thơm đặc trưng của tiêu, hành, lá dong. Đây là sự kết hợp tương đồng rất khoa học và sáng tạo phù hợp nhu cầu dinh dưỡng nhiều lứa tuổi.
Thanh nhiệt, giải độc
Đậu xanh còn gọi “lục đậu”: vị ngọt, tính mát, không độc. Tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, sinh tân, trừ phiền, tiêu phù, hạ khí, ích ngũ tạng, sáng nắt, mịn da, giải tất cả các chất độc. Đậu xanh rất giàu protein, lipit, carbohydrat và các axit amin, các vitamin A, B1, B2, PP, B6… Rất thích hợp cho người suy nhược, người già, trẻ em khó lên cân, da khô sần ngứa gãi dùng rất tốt. Trong dân gian, người xưa thường dùng đậu xanh để phòng những bệnh viêm nhiệt hoặc giải độc tố trong người rất tốt.
Gạo nếp còn gọi "ngạnh mễ": vị ngọt tính ấm, vào tỳ phế... tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế, chỉ hãn... Trị chứng hư lao tiết tả, tỳ vị hư nhược, đau thượng vị, nhiều mồ hôi, vị hư tiết tả, váng đầu chóng mặt... Gạo nếp chứa chất bột (gluxit). Nếu thiếu chất bột khi ăn dễ bị tụt đường huyết, người mệt mỏi, chân tay bủn rủn, làm việc khó tập trung, bụng đói cồn cào... Tuy nhiên, không dùng nhiều với người đái tháo đường, người đang cần giảm cân.
Bổ sung chất đạm
Thịt lợn còn gọi “trư nhục”: vị hơi ngọt, mặn, tính bình, ăn lành, tác dụng tư âm, nhuận da thịt, dưỡng khí huyết, ích ngũ tạng… Là nguồn cung cấp chất đạm (protein) không thể thiếu cho mọi lứa tuổi.
Mỡ lợn còn gọi “trư chỉ”: vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng hoạt huyết, nhuận phổi, giải độc, khu phong… Chữa chứng mất tiếng nói, trẻ em, thanh niên tóc khô, da mụn nám, gầy ốm yếu, chậm lớn... Mỡ lợn cung cấp chất béo (lipid) là chất không thể thiếu cho mọi lứa tuổi. Nếu bổ sung chất béo hợp lý giúp hình thành phát triển của hệ thần kinh, nội tiết tố, sinh dục... Chất béo còn giúp hòa tan hấp thu chuyển hóa các vitamin A, D, E, K cũng như duy trì mềm mại của làn da, mái tóc...
Kháng khuẩn
Vị hạt tiêu trong nhân bánh chưng, đặc biệt hoạt chất oleoresin trong hạt tiêu có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm hiệu quả, giúp làm tăng quá trình đông máu, tăng sự hoạt hóa thrombin và giảm tỷ lệ heparin trong hệ đông máu.
Hạt tiêu dùng liều nhỏ có tác dụng tăng tiết dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, tống hơi trong ruột ra ngoài, giúp ăn ngon. Liều cao có tác dụng kích ứng niêm mạc dạ dày và đường tiết niệu. Ngoài ra còn có tác dụng diệt ký sinh trùng, đuổi các sâu bọ.
Ngừa đầy bụng
Hành trong bánh chưng có tác dụng sát trùng, ngừa đầy bụng, chậm tiêu hay viêm nhiễm đường ruột...Các nguyên liệu được kết hợp trong bánh chưng có công dụng hỗ trợ cơ thể chống lại nhiều bệnh tật.
Tốt cho hệ tiêu hóa, lợi tiểu
Lá dong của bánh chưng có vị nhạt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu. Theo đó, lá dong có thể dùng để chữa say rượu, ngộ độc, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, lá dong giúp bảo quản bánh được lâu, có màu xanh, mùi thơm, khai vị kích thích tiêu hoá.
Thời tiết những ngày xuân thường lạnh giá, mưa phùn, giờ giấc ăn nghỉ sinh hoạt thất thường, lại uống rượu nhiều, ăn miếng bánh chưng vừa ấm bụng, chắc dạ lại phòng được những đột quỵ về tim mạch, nhất là đối với những người có tiền sử về bệnh lý tim mạch, mạch vành.
Nguyễn Hà (T/h)