1. Bổ sung nước đầy đủ
Mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều nên nhu cầu về nước tăng cao. Nếu uống quá ít nước sẽ làm cảm giác mệt mỏi đến nhanh hơn, năng suất lao động giảm. Cơ thể thiếu nước nghiêm trọng sẽ đe dọa tính mạng, nhất là trẻ em và người cao tuổi.
Người trưởng thành trung bình cần khoảng 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, gồm các dạng nước uống, nước canh, sữa… và nguyên tắc là uống từng ngụm nhỏ để cơ thể kịp thích ứng. Với những người tham gia các hoạt động thể dục thể thao nên bổ sung nhiều nước trước khi tập luyện và cứ 20 phút tập luyện lại bổ sung thêm nước cho cơ thể dù không khát.
2. Bổ sung rau xanh
Trái cây và rau củ chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể, bao gồm chất xơ, chất chống oxy hóa và hàng loạt vitamin, khoáng chất. Mặc dù bạn có thể bổ sung vitamin, khoáng chất từ các nguồn khác nhưng chắc chắn ăn rau củ, trái cây là cách đơn giản và hiệu quả nhất.
Bổ sung rau xanh vào khẩu phần ăn như: rau cải xanh, rau muống, rau chân vịt… hay một số loại hoa quả: dưa hấu, cam, dứa...
3. Không sử dụng thực phẩm để lâu
Thời tiết nắng nóng kéo dài trong mùa hè là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong các loại đồ ăn, thức uống. Ngoài ra, việc sơ chế thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo cũng là nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mùa hè, người dân cần chú ý không nên chuẩn bị nhiều thức ăn nhanh mà không sử dụng hết, khi kéo dài thời gian để thực phẩm trong môi trường nắng nóng sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng; nên chọn mua, sử dụng thực phẩm tại các cơ sở có địa chỉ tin cậy.
4. Hạn chế ra ngoài vào giờ nắng nóng cao điểm
Mọi người nên hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này. Nếu lao động ngoài trời nắng cần phải đội nón hoặc mũ rộng vành. Không để da, nhất là đầu, mặt, cổ gáy trực diện tiếp xúc lâu với ánh nắng. Tránh làm việc quá lâu ngoài trời nắng, nếu phải thường xuyên làm việc ngoài nắng thì cứ sau một khoảng thời gian lại vào chỗ râm mát nghỉ giải lao.
Nên đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, tất chân...) có độ dày thích hợp khi ra đường. Đặc biệt, hãy chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ vitamin D từ trong ánh mặt trời.
5. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Một số bệnh truyền nhiễm mùa hè gây ra bởi các loại côn trùng và vi khuẩn. Ngăn ngừa sự phát triển của chúng được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Thường xuyên phun thuốc chống muỗi, làm sạch môi trường trong nhà với chất khử trùng để ngăn chặn sự phát triển của các loại côn trùng và vi khuẩn gây hại, đặc biệt là ruồi và gián.
Bên cạnh đó, mùa hè thường ra mồ hôi nhiều ở các vùng cổ, mặt, lưng, bẹn…, nếu không chú ý vệ sinh, các chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da, làm bít lỗ chân lông và kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da.
6. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ báo hiệu cơ thể bạn giải phóng hormon và các hợp chất giúp quản lý cơn thèm ăn (có lợi cho những người hay ăn vặt giữa đêm), duy trì hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện trí nhớ.
Mất ngủ khiến bạn trở lên buồn bực, căng thẳng, tức giận và mệt mỏi. Bên cạnh đó làm tăng nguy cơ béo phì, huyết áp cao, rối loạn quá trình kiểm soát lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
7. Tập thể dục
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè có thể khiến bạn lười tập thể dục, tuy nhiên luyện tập thể thao thực sự tốt cho sức khỏe.
Chúng ta chỉ nên tập trước 9h sáng và sau 16h và không nên tập trong thời gian quá dài. Ngoài ra, mặc dù giảm cân vào mùa hè sẽ có hiệu quả rõ rệt nhưng nếu chỉ tập luyện mà không chú ý kết hợp ăn uống thì sẽ gây ra tác dụng ngược lại. Bởi trong thời tiết nóng ẩm của mùa hè, bản thân năng lượng cơ thể tự tiêu hao rất lớn, nếu không chú ý sẽ dễ làm cho lượng đường huyết trong cơ thể xuống thấp, sức đề kháng yếu hơn.
Linh Chi (T/h)