Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

7 dự án điện gió của Lào muốn bán gần 4.150 MW điện cho Việt Nam

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Hiện có 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho Việt Nam. Trong khi đó, đường dây từ Việt Nam để có thể tiếp nhận nguồn điện từ Lào chỉ khoảng 300 MW.

Đề xuất mua điện gió từ Lào giá hơn 1.300 đồng/kWh

Báo Giao thông dẫn thông tin từ nguồn tin cho biết, Công ty Mua bán điện (EPTC) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tính toán khung giá phát điện nhập khẩu điện từ Lào.

Theo đó, hiện có 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho Việt Nam. Trong số này, có hơn 682 MW điện được nhà đầu tư đề nghị bán trước năm 2025, phần còn lại bán sau năm 2025.

Việt Nam nhập điện từ Lào (chủ yếu thủy điện) từ 2016, còn điện gió đang trong giai đoạn đàm phán.

Theo đề xuất, các dự án điện gió từ Lào dự kiến đưa về Việt Nam qua đường dây truyền tải khu vực Quảng Trị. Ngoài đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ đầu tư từ tháng 9/2023, EVN đề nghị được bổ sung các công trình lưới, đấu nối khác, gồm đường dây 220 kV, 500 kV mạch kép từ biên giới về Lao Bảo vào Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện quy hoạch này.

Không chỉ điện gió, EVN cũng đề nghị nhập thêm thủy điện, để tăng linh hoạt trong vận hành, hiệu quả đầu tư lưới.

Về mức giá, giá trần (giá tối đa) đang áp dụng cho mỗi kWh điện gió từ Lào là 6,95 cents (tương đương 1.700 đồng) với các nhà máy điện vận hành trước ngày 31/12/2025. Mức này có lợi thế hơn nhiều hơn nhiều so với 8,5-9,8 cent/kWh đang áp dụng với các dự án trong nước vận hành trước 1/11/2021.

Lợi thế khác là nhập khẩu từ Lào sẽ hỗ trợ giảm nguy cơ thiếu điện các năm tới cho miền Bắc vào cao điểm mùa khô. Hơn nữa, Việt Nam sẽ giảm được vốn đầu tư ban đầu, không cần có các giải pháp giảm tác động môi trường xã hội trong nước.

Không chỉ điện gió, EVN cũng đề nghị nhập thêm thủy điện, để tăng linh hoạt trong vận hành, hiệu quả đầu tư lưới.

Công ty Mua bán điện đang đàm phán giá với các dự án điện gió, thủy điện để nhập khẩu vào Việt Nam nhưng chưa có quy định về tính toán khung giá đối với các nguồn điện nhập khẩu để làm cơ sở đàm phán cho các dự án vận hành sau ngày 31/12/2025.

Đối với thủy điện, Công ty Mua bán điện đề xuất áp dụng nguyên mức giá trần cho giai đoạn vận hành trước ngày 31/12/2025, là 6,95 cent/kWh. Còn với điện gió, mức giá đề xuất mới là 5,51 cent/kWh (khoảng hơn 1.377 đồng), giảm từ 6,95 cent/kWh.

Công ty Mua bán điện giải thích giá mới giảm là do suất đầu tư bình quân hàng năm của điện gió giảm khoảng 3,46%.

Những băn khoăn khi mua điện gió từ Lào

Theo báo Thanh niên, công suất điện gió các nhà đầu tư Lào muốn bán cho Việt Nam đang vượt khả năng tiếp nhận của lưới điện khu vực. Hiện phần lớn các đường dây 200 kV, 110 kV tại khu vực này thường xuyên vận hành ở mức 80 - 100% công suất cho phép. Riêng các tháng mùa khô (tháng 5 - 7), khu vực này chỉ tiếp nhận được tối đa 300 MW, các tháng còn lại trong năm tiếp nhận ở mức thấp hơn.

Theo EVN, trước khi đưa vào vận hành trạm biến áp 500 kV Lao Bảo, khu vực này khó tiếp nhận thêm công suất nhập khẩu từ Lào do hiện các đường dây 220 kV đều vận hành ở chế độ tải cao. Nếu bổ sung thêm hạ tầng lưới, trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các đường dây đấu nối (dự kiến từ cuối 2027), khả năng nhận điện từ Lào tăng lên 2.500 MW nhưng vẫn thấp hơn gần 1.650 MW so với tổng công suất điện gió của các nhà đầu tư muốn bán cho Việt Nam là gần 4.150 MW.

Mặt khác, dư luận cũng băn khoăn khi 85 dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp có tổng công suất gần 4.700 MW vẫn trầy trật đàm phán giá chính thức để phát điện hơn 1 năm nay.

Trao đổi trên báo Giao thông, đại diện EVN cho biết các dự án điện gió ở Việt Nam vẫn sẵn sàng được huy động phát điện nếu dự án đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật và theo nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống.

Tất cả dự án điện gió đã và đang đầu tư trong nước đều chỉ tập trung tại miền Trung và miền Nam, chưa có dự án điện gió nào được đầu tư tại miền Bắc. Trong khi, nhu cầu cấp tăng cường điện cho miền Bắc là cấp thiết.

Theo EVN, dự án mua điện gió từ Lào có mục tiêu tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc thông qua kết nối từ Lào về huyện Đô Lương (Nghệ An).

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật